Multimedia Đọc Báo in

Lái xe trên 1 triệu km không để xảy ra tai nạn

08:12, 22/01/2013

Kết thúc phong trào thi đua xây dựng "Doanh nghiệp vận tải an toàn" và "Lái xe an toàn" năm 2012 trong ngành giao thông vận tải (GTVT), cả nước có 10 tập thể và 66 cá nhân được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tuyên dương. Trong đó, tỉnh ta vinh dự có anh Đỗ Quốc Thắng (sinh năm 1975), lái xe tại Công ty Cổ phần xe khách Dak Lak được tặng Kỷ niệm chương “Lái xe an toàn”.

 Anh  Đỗ  Quốc Thắng (bên trái) nhận  phần thưởng “Lái xe
Anh Đỗ Quốc Thắng (bên trái) nhận phần thưởng “Lái xe an toàn".

Khoảng thời gian trong quân ngũ, anh Đỗ Quốc Thắng đã có duyên với sự nghiệp lái xe, từ năm 1995 đến 1998, anh lái xe tại Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên). Với cương vị là một người lính lái xe, anh luôn đặt ra cho mình nguyên tắc lái xe bằng cả trái tim và luôn xem hành khách như những người thân trong gia đình. Rời quân ngũ từ năm 1998 đến nay, anh vẫn tiếp tục với sự nghiệp lái xe. Với anh, lái xe không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là niềm đam mê của bản thân. Kinh nghiệm để trở thành một lái xe an toàn của anh, trước hết phải nắm vững quy định của pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, trong đó đặc biệt không vi phạm về tốc độ và tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước và trong khi lái xe. Anh cho biết, với gần 20 năm trong nghề, anh cũng gặp nhiều tình huống “dở khóc dở cười”, nhưng với trách nhiệm của một tài xế, anh luôn tỏ thái độ khôn khéo để chiều lòng hành khách trên từng chuyến xe của mình. Anh còn nhớ, cuối tháng 12-2012, khi đang điều khiển xe buýt chuẩn bị xuất bến, trên tuyến Cư M’gar – Buôn Ma Thuột thì bất ngờ có một người nằm ngang đường chặn xe. Để việc đó không làm lỡ chuyến xe của nhiều hành khách, anh xuống xe nhỏ nhẹ khuyên nhủ đối tượng, sau một lúc người đó đã tự đứng lên nhường đường cho xe chạy. Sau sự việc ấy, nhiều người góp ý với anh, những đối tượng như vậy, anh cần gì lịch sự, chỉ cần gọi cơ quan chức năng là được, đáp lại anh chỉ cười với họ và trả lời, việc gì trong tầm tay, mình có thể làm được thì làm. Đối với khách đi xe, tùy từng đối tượng mà anh có sự quan tâm đặc biệt, chẳng hạn với người khuyết tật, người già, trẻ em…, anh thường nhắc nhở phụ xe sắp xếp chỗ ngồi hợp lý để bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi lên, xuống xe. Nói về anh Thắng, anh Trần Huy Sỹ, nhân viên lái xe của Công ty cho hay, anh Thắng là một trong những tài xế tiêu biểu của Công ty thực hiện nghiêm biểu đồ chạy xe được phân công, đúng hành trình, lịch trình, đón trả khách đúng nơi quy định, vận hành phương tiện theo đúng quy định kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Không những thế, anh Thắng còn có ý thức kỷ luật rất cao, luôn có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp.

Trong gần 20 năm cầm vô lăng, trải qua quãng đường thiên lý trên 1 triệu km (bình quân mỗi ngày khoảng 250 km), chưa lần nào anh để xe anh bị va quệt hay xảy ra tai nạn giao thông. Nhờ vậy, nhiều năm liền, anh được Công ty khen thưởng trong phong trào “giữ gìn xe tốt”, “lái xe thân thiện với hành khách” và đó là thành quả để anh trở thành gương mặt duy nhất của Dak Lak nhận danh hiệu “lái xe an toàn” trong năm vừa qua.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.