Multimedia Đọc Báo in

Nhộn nhịp dịch vụ chăm sóc cây cảnh sau Tết

17:40, 28/03/2013

Sau khi được chưng chơi trong những ngày tết, cây cảnh, bonsai các loại thường bị “xuống sắc” nhanh, cần có chế độ “bảo dưỡng” hợp lý, vì vậy, thời điểm này, dịch vụ chăm sóc cây cảnh trở nên khá nhộn nhịp, nhất là tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột.

Cứ mỗi dịp tết, nhiều gia đình thường mua những chậu cây cảnh như đào, mai thế, cây bonsai các loại về chưng, chơi. Tuy nhiên, do không có thời gian, cũng như chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc nên sau tết, đa số người dân thường đem gửi tại các nhà vườn, cơ sở kinh doanh cây cảnh nhờ chăm sóc để tết sang năm chơi tiếp. Cây cảnh đem gửi thường là những chậu đẹp, gốc có dáng cổ thụ hay các giống cây quý giá từ 1 triệu đồng trở lên. Anh Lê Minh Khanh, ở tổ dân phố 1, phường Ea Tam cho biết: hằng năm sau khi chơi Tết xong, anh thường gửi một số chậu mai, sanh cảnh cho cơ sở kinh doanh cây cảnh gần nhà bảo quản. Do được chăm sóc chu đáo, kỹ thuật tạo dáng chuyên nghiệp nên cây cảnh anh gửi năm nào cũng như “khoác trên mình bộ cánh mới” rất đẹp để chưng tết mà không phải mua tốn kém. Việc gửi cây cảnh cho các dịch vụ chăm sóc còn là giải pháp được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn cao, không lo bị mất trộm…

Sau Tết, nhiều cây cảnh được người dân gửi nhà vườn chăm sóc.
Sau Tết, nhiều cây cảnh được người dân gửi nhà vườn chăm sóc.

Từ nhu cầu gửi chăm cây cảnh, đã tạo điều kiện để hằng năm, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán, các nhà vườn càng trở nên bận rộn hơn. Anh Nguyễn Lộc, chủ cơ sở kinh doanh cây cảnh trên đường Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi cho biết, đến thời điểm này, vườn của anh đã nhận khoảng 500 cây cảnh các loại do khách hàng mang đến gửi (trong đó có trên 400 chậu mai thế) nên anh không dám nhận thêm nữa. Theo anh Lộc, do chi phí chăm sóc cây cảnh từ thuê nhân công, mua thuốc BVTV, phân bón... đều tăng nên tiền công chăm sóc cây cảnh năm nay cũng tăng 10 - 15% so với năm ngoái. Hiện giá nhận chăm sóc thấp nhất là 800 nghìn đồng/cây, có những chậu bonsai lớn, thế đẹp giá trị cao thì giá chăm sóc cũng khoảng 3 đến 5 triệu đồng/cây/năm. Còn tại nhà vườn cây cảnh của ông Đặng Tiến Bình ở thôn 1, xã Hòa Thắng với riêng việc chăm sóc cây cảnh sau Tết hằng năm ông cũng thu nhập thêm trên 250 triệu đồng. Chăm sóc cây cảnh rất kỳ công, đối với những cây cảnh như mai, sau khi bung hết hoa trong mấy ngày xuân, cây bắt đầu yếu sức nên các nhà vườn lại bắt đầu một quy trình mới là thay đất, vào phân, tưới nước, tỉa cành, tạo thế, dáng... các loại cây cảnh khác như sung, si, sanh…, ngoài vệc chăm sóc như cây mai thì mỗi tuần phải cắt tỉa cành, chồi để giữ thế, và làm cho gốc cây trở nên to đẹp hơn. Nhiều người chơi cây cảnh không chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách nên sau khi chơi tết xong cây thường bị suy yếu, héo rũ, khả năng phục hồi rất khó. Bên cạnh đó, cây cảnh chơi trong những ngày tết thường bị đổ bã trà, rượu, bia thừa, tàn thuốc lá vào gốc làm hư bộ rễ, giảm sức phát triển của cây, khi gia chủ mang cây đến gửi thì nhà vườn cũng gặp khó khăn trong việc hồi phục cho cây. Trong quá trình chăm sóc, nếu để cây cảnh chết, hư hỏng hay không ra hoa đúng dịp tết, ngoài việc phải đền tiền thì nhà vườn còn mất danh tiếng và khó làm ăn lâu dài.

Không cần đem cây cảnh đi gửi, nhiều gia đình có không gian sân vườn rộng lại chọn cách để cây cảnh ở nhà mình và thuê thợ sinh vật cảnh về chăm sóc định kỳ hằng tháng. Vì thế, cứ vào dịp trước và sau tết, những người thợ chăm sóc cây cảnh tại gia lại thêm tất bật. Anh Lê Văn Huy, một thợ chăm sóc cây cảnh tận nhà chia sẻ: Việc nhận chăm sóc cây cảnh cho khách tại nhà không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn giúp anh thỏa sự đam mê với cây cảnh. Mọi công việc được thuê từ đơn giản như thay đất, đắp bồn, bón phân, tỉa cành đến phức tạp hơn là tạo dáng, ghép cành, đắp hòn non bộ cho cây… anh đều nhận và làm chu đáo, nên được nhiều khách hàng tin tưởng mời gọi thường xuyên. Mỗi cây cảnh nhận chăm sóc tại gia anh được trả thù lao từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, nếu thiết kế tạo bồn, thế cho cây thì giá từ 2 - 5 triệu đồng/cây, bình quân mỗi tháng anh có thu nhập thêm khoảng 20 triệu đồng. Ngoài việc đi chăm sóc cây cảnh tại gia cho khách hàng trong khu vực TP. Buôn Ma Thuột anh cũng có vườn cây cảnh riêng, vởi khoảng trên 200 cây cảnh bonsai các loại, anh còn là thành viên của Hội sinh vật cảnh TP. Buôn Ma Thuột. Nghề chăm sóc cây cảnh cũng tốn khá nhiều công sức, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, thuần thục của người thợ, và phải bắt nguồn từ cái tâm trong” và sự sáng tạo không ngừng, nếu chạy theo lợi nhuận của đồng tiền thì người thợ khó có thể tạo nên những tác phẩm có hồn, thể hiện được thế cây bonsai, nét phong thủy, mang sức sống mạnh mẽ và được người chơi tâm đắc.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.