Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng người dân di cư đi khỏi địa phương

14:16, 09/04/2013

Thời gian vừa qua, tại các thôn đồng bào di cư ở xã Cư Pui (Krông Bông) xảy ra tình trạng một số hộ người dân tộc Mông tiếp tục di cư đến địa phương khác. Đặc biệt gần đây có gần 30 người rời khỏi địa phương mà không báo với chính quyền làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.


Thiếu đất  sản xuất,  nhà cửa  tạm bợ,  cuộc sống khó khăn  nên một số  gia đình người Mông  ở xã Cư Pui  lại có ý định  di cư đến nơi ở khác.
Thiếu đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, cuộc sống khó khăn nên một số gia đình người Mông ở xã Cư Pui lại có ý định di cư đến nơi ở khác.

 

Xã Cư Pui hiện có 1.304 hộ, 8.587 khẩu là những người di cư từ các tỉnh phía Bắc vào tập trung ở 6 thôn. Do lượng người di cư đông, nhiều khu rừng ở Ea Lang, Ea Bar, Ea Rớt đã bị người dân chặt phá nhưng nhiều hộ vẫn không có đất ở, thiếu đất sản xuất dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại xã Cư Pui có 151 hộ chưa có đất ở, 252 hộ thiếu đất sản xuất, tập trung ở các thôn đồng bào di cư. Đây là hậu quả của việc di cư ngoài kế hoạch một cách ồ ạt. Vì vậy trong những năm vừa qua trên địa bàn 6 thôn này đã có nhiều lao động đi làm thuê ở các xã lân cận; một số hộ gia đình do không có đất sản xuất nên đã di cư đến một số địa phương như huyện M’Drak, Ea Kar, Krông Pak, Ea Súp, Buôn Đôn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), huyện Krông Nô, Dak Glong (Dak Nông)... Gần đây đã có 27 người ở 3 thôn: Ea Uôl, Ea Lang và Cư Rang rời địa phương không biết lý do. Theo thông tin ban đầu, những người này đã đi làm thuê ở các tỉnh khác trong đó có một số đã ra các tỉnh phía Bắc. Trong số 27 người đi ra khỏi địa phương thì thôn Ea Uôl có 19 người.

Ông Vàng A Chá, Trưởng thôn Ea Uôl cho biết: “Thôn Ea Uôl có đến 43% hộ nghèo. Đa số những người vừa rời địa phương đều trong độ tuổi lao động chính và thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, đông con...”. 19 người của thôn Ea Uôl bỏ đi thì có 4 cặp vợ chồng. Họ gửi con lại cho người thân trông giữ, thậm chí để mặc con cái tự lo cho cuộc sống. Vừa qua UBND xã Cư Pui đã phải cứu trợ gạo cho một số trẻ em do cha mẹ bỏ đi không nơi nương tựa. Gia đình anh Sùng Mí Sính và chị Cứ Thị Và để lại đứa con nhỏ đang học mẫu giáo cho ông bà nội nuôi; gia đình anh Vàng Chứ Dính và chị Thào Thị Mai để lại 3 đứa con tự chăm sóc nhau: đứa lớn học lớp bảy, đứa thứ 2 học lớp năm và đứa thứ 3 học lớp ba... Em Vàng Thị Mái, con gái thứ 2 của anh Dính cho biết: “Bố mẹ đi làm ăn xa được hơn 3 tháng rồi. Ở nhà 3 anh em phải tự chăm sóc từ việc ăn uống, học tập, sinh hoạt. Hằng ngày ngoài giờ học, mấy anh em phải lên rẫy đào sắn về bán mua gạo và rau để ăn”.

Việc quản lý nhân, hộ khẩu ở các thôn đồng bào di cư gặp nhiều khó khăn do địa bàn xã Cư Pui rộng, dân số đông. Nhiều người đi và đến không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không có sổ hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân. Một số người dân tự ý rời địa phương không xin tạm vắng nên chính quyền không nắm được. Ông Y Mơ Niê, Phó trưởng Công an xã Cư Pui cho biết: “Do bà con di cư không theo quy hoạch với số lượng lớn, lại ở rải rác sâu trong các khu rừng, một số người không đăng ký tạm trú nên việc quản lý, theo dõi việc đi, đến của bà con vô cùng khó khăn”.

Thời gian vừa qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã Cư Pui phối hợp với ban tự quản các thôn đồng bào di cư tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến nhân dân để họ yên tâm làm ăn, sinh sống. Song tình trạng người dân tiếp tục di cư đến các địa phương khác và bỏ đi làm ăn ngoại tỉnh vẫn diễn ra. Để bà con có cuộc sống ổn định, thiết nghĩ cần có những giải pháp giúp bà con có đủ đất ở, đất sản xuất; thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo; từ đó làm tốt việc quản lý nhân, hộ khẩu trên địa bàn các thôn di cư…

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc