Multimedia Đọc Báo in

Cái bắt tay hờ hững

09:06, 12/05/2013

Hình thức bắt tay nhau khi gặp gỡ, khi chia tay không biết đã du nhập vào nước ta từ bao giờ nhưng chắc cũng đã lâu lắm, đủ để trở thành một phong tục, một nét văn hóa trong giao tiếp. Ấn tượng về người khác qua cái bắt tay nhiều khi không phải dễ quên. Có những cái bắt tay ấm áp, khiến người ta xích lại gần nhau, quý trọng nhau hơn. Cũng có những cái bắt tay gây nên sự hiểu nhầm, cảm nhận không tốt về nhau.

Câu chuyện về “cái bắt tay” nhiều người đã nói, đã viết nhưng có lẽ nhiều người cũng còn phải học. Không ai bỗng nhiên trở thành người tử tế mà lại không học cả - học ở đây không có nghĩa là cứ phải đến trường, đến lớp. Tất nhiên có học, thậm chí là học nhiều, học cao, cũng chưa hẳn đã là người tử tế. Ông cha ta từng dạy: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Nghĩa là cái gì cũng phải học. Chúng tôi không dám lạm bàn về “cái bắt tay” vì hình như đã có cả những trường lớp, giáo trình hẳn hoi dạy về điều đó. Điều muốn “giãi bày” ở đây là về những cái bắt tay hờ hững.

Không biết có bao nhiêu người đã từng chứng kiến những kiểu bắt tay hững hờ và cảm giác đọng lại ra sao? Riêng tôi từng thấy có những vị lãnh đạo “quyền cao chức trọng” bắt tay những người cấp dưới của mình với một thái độ trịch thượng. Hình như để chứng tỏ mình là bề trên, là nhân vật quan trọng, họ chìa tay ra một cách hờ hững, mặt ngoảnh đi nơi khác hoặc bắt tay người này nhưng quay đi nói chuyện với người kia. Cũng có những bàn tay được chìa ra đầy cao ngạo như là một sự ban ơn, như là sự khẳng định vị thế của mình. Trong những trường hợp như thế người đối diện rơi vào một tình thế thật khó xử. Không đưa tay ra nắm lấy bàn tay chìa ra trước mặt mình cũng không đành, mà nắm lấy thì cảm thấy bị xúc phạm, lòng tự trọng bị tổn thương.

Bắt tay không đơn giản là một kỹ năng giao tiếp, mà nó còn là một cử chỉ, hành vi văn hóa. Qua cách bắt tay, chính ta đã “phô” ra trước mọi người cái “phông” văn hóa của mình. Với lối bắt tay hờ hững, trịch thượng kia, vô tình con người thật được che đậy dưới lớp vỏ hào nhoáng bị “bung” ra, hiện hữu trước mắt mọi người như một kẻ tầm thường và thô thiển.

Dân gian có câu: “Tay bắt mặt mừng”, bắt tay chính là sự thể hiện tình cảm chứ hoàn toàn không phải là để khẳng định vị thế, đẳng cấp hay là một cử chỉ ban ơn. Điều giản dị như thế vậy mà không phải ai cũng biết. Tệ hơn, những người mang tiếng chức trọng quyền cao mà cũng không biết điều đó thì thật buồn lắm thay!

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc