Cần điều chỉnh chính sách cho viễn thông công ích
Thời gian qua, Chương trình Viễn thông công ích (VTCI) đã tạo dấu ấn rõ nét trong việc truyền tải thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục để chương trình phát huy hiệu quả.
Những kết quả bước đầu
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, Dak Lak là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Tây Nguyên, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động viễn thông đã đạt được những bước phát triển đáng kể. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 nhà cung cấp dịch vụ gồm: Viễn thông Dak Lak (Vina phone), chi nhánh MobiFone, chi nhánh Viettel, chi nhánh FPT, Gfone, Gtel và Vietnammobile; 3 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông cố định (điện thoại cố định, ADSL, FTTH...); hạ tầng phục vụ viễn thông như hệ thống chuyển mạch, mạng truyền dẫn, mạng ngoại vi, mạng di động, Internet... cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình viễn thông công ích góp phần mang thông tin đến vùng sâu vùng xa. |
Trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị bưu chính, chuyển phát đang hoạt động kinh doanh bưu chính, chuyển phát với 28 điểm bưu cục và 216 điểm giao dịch có người phục vụ; 134 điểm bưu điện văn hóa xã; 54 đại lý bưu chính chuyển phát; 34 thùng thư công cộng độc lập; 156 thuê bao hộp thư bưu chính; bán kính phục vụ là 4,45 km/điểm, số người trung bình được phục vụ là 8.199 người/điểm; số xã có báo đọc trong ngày là 154/154 xã; 26 điểm bưu điện văn hóa xã có kết nối Internet... Hiện có 3 doanh nghiệp đang thực hiện cung cấp dịch vụ VTCI là VNPT Dak Lak, Viễn thông Điện lực và Chi nhánh Viettel Dak Lak. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho chương trình VTCI giai đoạn 2006-2010 ước khoảng 336,8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp 226,8 tỷ đồng, người dân 110 tỷ đồng. Chương trình VTCI đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chỉ số mật độ máy điện thoại cố định và mức độ sử dụng các dịch vụ viễn thông, giảm khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các vùng. Nâng cao trình độ dân trí và đời sống xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh. Người dân trong vùng VTCI đã có thể sử dụng điện thoại liên lạc với bất cứ nơi đâu, được truy nhập mạng Internet để tìm hiểu thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Chương trình đã rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn với thành thị, mang lại bộ mặt mới cho nông thôn...
Cần “khoanh vùng phủ sóng”
Hiệu quả từ Chương trình mang lại cho người dân và doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Do đặc điểm là tỉnh miền núi khó khăn, giao thông đi lại chưa thuận tiện, trình độ dân trí chưa cao nên trong thời gian qua việc phát triển, duy trì thuê bao điện thoại và Internet của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn tới tình trạng thuê bao rời mạng ngừng sử dụng dịch vụ diễn ra khá nhiều. Do việc cạnh tranh về thị trường của các doanh nghiệp trong việc phát triển thuê bao mới dẫn tới việc quản lý phát triển thuê bao cá nhân và hộ gia đình còn phức tạp dẫn đến tình trạng một cá nhân hoặc gia đình cùng lúc có nhiều thuê bao đang hoạt động, làm cho công tác đối chiếu hồ sơ và nghiệm thu sản lượng VTCI còn gặp nhiều khó khăn, dễ gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông tại vùng được hưởng VTCI của các doanh nghiệp chưa thực sự được quan tâm, dẫn tới có chỉ tiêu được Bộ Thông tin và Truyền thông giao phát triển vẫn chưa hoàn thành kế hoạch... Việc quản lý hồ sơ khách hàng còn thiếu chặt chẽ dẫn tới tình trạng trùng lặp thông tin khách hàng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thẩm tra xác nhận sản lượng VTCI cũng như việc hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cần đi đôi với việc đào tạo và bố trí nhân lực để khai thác tốt hạ tầng đã có. Chẳng hạn tại huyện Buôn Đôn, việc ứng dụng CNTT (một trong những “gói” của VTCI) chỉ phát huy tốt tại các trường học, bệnh viện mà chưa thực sự mang lại hiệu quả tại các cơ quan hành chính nhà nước. Nguyên nhân chính là tại các cơ quan hành chính nhà nước, nguồn nhân lực về CNTT vừa thiếu vừa yếu nên không theo kịp sự phát triển không ngừng của CNTT.
Để xây dựng VTCI giai đoạn hai đáp ứng sát nhu cầu phát triển của địa phương, vừa qua đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dẫn đầu đã khảo sát thực tế về VTCI tại các đơn vị hành chính, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn huyện Buôn Đôn và Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về vấn đề này. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo địa phương đã thống nhất hiệu quả và sự cần thiết phải triển khai VTCI giai đoạn hai. Tuy nhiên để VTCI phát huy hiệu quả hơn nữa, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chú ý đến đặc thù của địa phương, từ đó có những phương án hỗ trợ hiệu quả hơn. Ngoài ra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần cân nhắc đến nhu cầu thực tế của người dân để có định hướng đầu tư phù hợp. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, địa phương cũng cần khéo léo lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác vào Chương trình VTCI; các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông cần sử dụng hợp lý hơn hạ tầng viễn thông để nâng cao hiệu quả kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân… Đây gần như là những vấn đề cốt yếu mà Bộ Thông tin và Truyền, thông các địa phương và doanh nghiệp phải lưu ý khi xây dựng và thực hiện VTCI giai đoạn tiếp theo.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc