Multimedia Đọc Báo in

Chênh lệch giá thuốc, người tiêu dùng băn khoăn

15:53, 04/05/2013

Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người nên việc kinh doanh thuốc cũng phải đáp ứng những điều kiện đặc thù, trong đó có giá thuốc. Hiện nay tình trạng giá thuốc mỗi nơi một khác đã khiến nhiều người mua không khỏi băn khoăn.

Theo quy định của Bộ Y tế, các loại giá thuốc chữa bệnh phải được kê khai, niêm yết; giá bán lẻ các loại thuốc phải được thông báo đến người tiêu dùng bằng cách in, dán lên bao bì bên ngoài của hộp thuốc và không được cao hơn giá niêm yết. Nhưng thực tế, hầu hết các nhà thuốc - kể cả của nhà nước và tư nhân đều không niêm yết giá thuốc đầy đủ, hoặc niêm yết theo hình thức đối phó hòng che mắt cơ quan chức năng và “móc túi” người tiêu dùng.

Chỉ tính trên đoạn đường từ số 1 đến số 477 Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 10 nhà thuốc quốc doanh. Đa số có ghi bảng hiệu “Nhà thuốc đạt chuẩn GPP”, nhưng lại không thấy nhà thuốc nào có treo bảng ghi giá thuốc bán lẻ theo quy định. Chúng tôi đã làm phép thử nghiệm, mua thuốc ở các quầy thuốc để hỏi giá và so sánh. Kết quả cho thấy, thuốc giảm sốt Paracetamon, Efferagen… được các quầy thuốc bán với nhiều giá khác nhau, chênh lệch từ 4.000 đồng/hộp trở lên. Khi thắc mắc hộp thuốc Efferagen không thấy ghi giá thì được một nhân viên bán hàng giải thích: “Hàng đó mới về nên chưa kịp làm giá”. Tương tự, mua 1 gói Klamentin 250 của Công ty cổ  phần Dược Hậu Giang ở 10 nhà thuốc trên đường Phan Chu Trinh thì có 10 giá bán khác nhau: nơi thì bán 6.500 đồng/gói, nơi 7.000 đồng/gói, còn nhà thuốc H.B đường Y Jút bán 4.000 đồng/gói. Tương tự các nhà thuốc khác cũng chênh lệnh từ 2.000-8.000 đồng/một đầu thuốc. Thậm chí cùng 1 loại thuốc Newgi.C (chuyên trị chấy rận), hai nhà thuốc đối diện nhau ở chợ Phan Chu Trinh thì một nơi bán 10.000 đồng/chai, còn nơi kia bán 15.000 đồng/chai… Với các loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, xuất xứ nước ngoài, thì chênh lệch giá bán giữa các nhà thuốc còn cao gấp nhiều lần. Ví dụ: thuốc đặc trị chảy máu não Innimod 30mg tại nhà thuốc H.B đường Y Jút bán 8.000 đồng/viên; nhà thuốc A.T cũng trên đường Y Jút  bán 16.000 đồng/viên và giá bán cũng không bao giờ đúng với giá in trên bao bì thuốc. Ở nhóm thuốc nội do các công ty Việt Nam sản xuất, cũng có tình trạng tương tự: cùng là thuốc BBD 25mg, nhưng trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh có giá 1.000 đồng/viên, còn các nhà thuốc trước cổng Bệnh viện là 5.000 đồng/viên. Cùng thuốc Aubactam 1g/200mg, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 25.500 đồng/lọ, nhưng các phòng khám tư nhân là 32.000 đồng/lọ…

Khi hỏi sao nhà thuốc không treo bảng niêm yết giá bán lẻ theo quy định, nhân viên của các nhà thuốc đều trả lời: do có quá nhiều loại thuốc, quá nhiều hãng thuốc và mỗi hãng mỗi giá nên không thể ghi hết, chỉ ghi trực tiếp trên mẫu bao bì những loại bán chạy… Còn về sự chênh lệch giá là do “giá trên bao bì là giá cũ, chưa kịp sửa”; sở dĩ không niêm yết cũng là vì người mua không bao giờ hỏi.

Có thể nói, người tiêu dùng có quyền được biết thông tin chính xác về giá thuốc từ việc kê khai, niêm yết giá, dán giá bán lẻ trên bao bì đựng thuốc, hoặc bao bì ngoài của thuốc… Tuy nhiên, ngay cả khi điều này đã được quy định trong văn bản thì một bộ phận người tiêu dùng vẫn không biết điều này, thậm chí là thờ ơ, không để ý về giá cả, chứ chưa nói đến việc so sánh giá giữa các nhà thuốc để chọn mua cho đúng giá. Thực tế cho thấy chỉ cần cầm một đơn thuốc đi mua ở 3 nhà thuốc bất kể trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, dẫu có cùng một biệt dược, cùng một hàm lượng và cùng một công ty sản xuất nhưng giá thuốc sẽ chênh nhau một cách bất ngờ. Được biết, Sở Y tế đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra giá bán ở các nhà thuốc, nhưng tình trạng này vẫn chưa có nhiều chuyển biến và người tiêu dùng vẫn phải mua thuốc với giá khác nhau, có loại chênh nhau từ 4-6 lần mà không biết tỏ cùng ai!  

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc