Multimedia Đọc Báo in

Một lương y luôn tận tụy vì sức khỏe cộng đồng

19:44, 04/05/2013

Quê quán ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), học ngành chẩn trị Y học cổ truyền tại tỉnh Phú Thọ năm 1998, đến năm 2002 lương y Hoàng Văn Cường đưa gia đình vào Ea Súp xây dựng quê hương mới. Năm 2005, Hội Đông y xã Ya T’Mốt được thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch hội. Mặc dù ở thời điểm đó hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, con còn nhỏ, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào vài héc-ta ruộng 1 vụ, nhưng với trách nhiệm được giao, lương y Hoàng Văn Cường vẫn tận tình với công việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Lương y Hoàng Văn Cường (phải)  đang khám cho bệnh nhân.
Lương y Hoàng Văn Cường (phải) đang khám cho bệnh nhân.

Nhận thấy địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người cao tuổi còn khó khăn, lương y Hoàng Văn Cường thực hiện theo phương châm “Nam dược trị nam nhân”, dùng thuốc Nam trị bệnh cứu người, khai thác các thế mạnh về thảo dược sẵn có ở địa phương. Vì vậy, ông bàn bạc với các thành viên trong Hội Đông y xã tiến hành tìm kiếm các loại thuốc Nam trong rừng, đồng thời vận động người dân trồng thảo dược. Hiện nay, rất nhiều gia đình ở xã Ya T’Mốt đều trồng cây thuốc trong vườn nhà, hộ trồng nhiều thì 5, 6 loại cây, hộ trồng ít thì một vài loại. Tất cả thảo dược dù khai thác ở rừng hay thu hoạch ở vườn nhà đều đóng góp làm tủ thuốc chung của Hội. Trạm y tế xã cũng có vườn thuốc Nam gồm trên 20 loại cây thuốc khác nhau.

Với tủ thuốc Nam này, Hội đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh và cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho bà con trên địa bàn. Từ ngày thành lập đến nay, mỗi năm Hội đều tổ chức 4 đợt khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 800 lượt bệnh nhân ở tất cả các lứa tuổi. Tính đến nay đã có khoảng 3.000 bệnh nhân được khám, cấp thuốc với số tiền thuốc cấp miễn phí trị giá trên 200 triệu đồng. Tại những đợt khám bệnh và cấp thuốc, lương y Hoàng Văn Cường luôn tất bật với công việc, vừa điều hành chung vừa tự mình khám bệnh và bốc thuốc cho bệnh nhân, thăm hỏi sức khỏe của từng người và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Không những tổ chức khám bệnh tại xã mình, ông Cường còn đề xuất và đã tiến hành khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người dân tại 2 xã Ea Bung và Ea Rốc năm 2011 với trên 200 lượt người.

Mặc dù phụ cấp trách nhiệm rất ít ỏi (chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng/tháng) nhưng lương y Hoàng Văn Cường luôn tận tụy với công việc, chỉ tâm niệm làm sao để chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay, niềm trăn trở của ông là làm sao được tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, nơi khám chữa bệnh được xây dựng khang trang và mở rộng hơn, có phòng nghỉ cho những bệnh nhân già yếu, có chỗ tĩnh dưỡng để theo dõi chăm sóc bệnh nhân.

Với những thành tích của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Hội Đông y xã Ya T’Mốt đã 3 lần được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng bằng khen. Lương y Hoàng Văn Cường đã được tuyên dương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Ea Súp năm 2012.

Phan Ba


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.