Những hạt gạo nghĩa tình
Thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) là một thôn người Mông di cư ngoài kế hoạch, với 365 hộ, trên 2.100 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 43,2%. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng chị em phụ nữ nơi đây đã học tập Bác Hồ từ những điều giản dị: tiết kiệm và chia sẻ với những người nghèo khó.
Song song với việc triển khai nội dung 6 chương trình công tác Hội, Hội Phụ nữ xã Hòa Phong đã phát động phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” đến tất cả 11 chi hội, trong đó tại thôn Noh Prông có 6 tổ dân cư với 94 hội viên tích cực tham gia thường xuyên. Theo đó, mỗi ngày nấu cơm dành ra một nắm gạo cho vào hũ gạo tiết kiệm, cứ 6 tháng một lần, các gia đình đem nộp cho Chi hội Phụ nữ thôn. Lượng gạo thu được mỗi đợt trên 100 kg được Chi hội đem cứu trợ cho những gia đình đang gặp khó khăn, nghèo đói.
Chị Vương Thị Sanh, hội viên Chi hội bộc bạch: “Gia đình mình tuy chưa phải khá giả, con trai bị bại liệt bẩm sinh, đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, nhưng mỗi ngày bớt đi một nắm gạo để giúp cho những hộ nghèo khó hơn mình có được một bát cơm thì mình cảm thấy vui rồi. Đó cũng là trách nhiệm của mình đối với xã hội…”.
Bà Lương Thị Mỵ năm nay 55 tuổi sống đơn chiếc, có hoàn cảnh khó khăn. Con gái lớn đi lấy chồng nhưng cũng thuộc diện hộ nghèo nên không có điều kiện giúp đỡ bà, trong khi đó bản thân bà lại thường xuyên đau yếu. Bà tâm sự: “Được nhận gạo hỗ trợ từ “Hũ gạo tiết kiệm” của Chi hội Phụ nữ thôn tôi thật xúc động. Những hạt gạo nghĩa tình của bà con giúp đỡ trong lúc khốn khó quả thật vô giá”.
Vì định kỳ 6 tháng mới trút hũ một lần, nên các chị em thống nhất khi bỏ đầy 1 lon thì đem đổi thành gạo mới, do đó gạo luôn được thơm ngon, tránh bị mốc ẩm. Có thể nói, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” tuy không mới, nhưng được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên nên hiệu quả đang được nâng lên từng ngày. Qua phong trào, tình làng, nghĩa xóm ngày càng được củng cố, phát triển, đồng thời “Hũ gạo tiết kiệm” đã và đang trở thành một trong những phong trào mạnh của Hội Phụ nữ xã Hòa Phong nói chung, thôn Noh Prông nói riêng.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc