Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Những khó khăn trong việc giảm nghèo ở các thôn đồng bào di cư

07:09, 30/06/2013

Xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) có 5 thôn đồng bào di cư từ các tỉnh phía Bắc vào với 677 hộ, 3.931 khẩu. Trong những năm vừa qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Cư Drăm luôn quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở các thôn đồng bào di cư. Nhưng do số lượng người di cư tự do đông, vượt quá kế hoạch; trong khi quỹ đất ở, đất sản xuất ít, không đáp ứng được nhu cầu, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu… nên tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn này hiện nay vẫn rất cao.

 Nhiều  gia đình  ở thôn  Nao Huh  (xã Cư Drăm) thuộc  hộ nghèo,  nhà cửa  tạm bợ.
Nhiều gia đình ở thôn Nao Huh (xã Cư Drăm) thuộc hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ.

Trước đây vùng đất Yang Hăn là khu rừng nghèo thuộc vùng sâu của xã Cư Drăm. Năm 1996, một số hộ người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào nên địa phương đã quy hoạch hơn 100 ha đất cho 130 hộ định cư và canh tác. Sau đó người dân tiếp tục ồ ạt di cư vào, phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn trong việc quản lý. Nhìn chung đời sống của các hộ dân di cư vào sau rất khó khăn, vì thiếu đất ở, đất sản xuất nên tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, nạn săn bắt thú rừng thường xuyên xảy ra. Nói về vấn đề này, ông Ama Khoát, Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm cho biết: “Năm 1996, địa phương xin chủ trương cấp trên quy hoạch vùng đất này cho khoảng 130 hộ người Mông định cư. Từ một thôn có hơn 100 hộ với trên 400 khẩu, đến nay vùng đất này đã có 5 thôn với 677 hộ, nhưng chỉ có một số ít gia đình vào định cư trước có cuộc sống ổn định; các hộ vào sau đa số là hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Nhiều hộ đã tự ý phá rừng để làm nương rẫy hoặc khai phá ở vùng đất đồi dốc do Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý…”.

Theo số liệu thống kê hộ nghèo năm 2013 của UBND xã Cư Drăm, thôn Ea Luêh có 66,4% hộ nghèo, thôn Cư Dhắt có 52,6% hộ nghèo, thôn Nao Huh có 45,9% hộ nghèo… Ngoài ít đất sản xuất thì việc không áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác; đất dốc, bạc màu; gia đình đông con; lười lao động… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong các thôn đồng bào di cư cao. Ông Lò A Cạ, Trưởng thôn Ea Luêh cho biết: “Thôn Ea Luêh có 102 hộ người dân tộc Mông, nhưng có đến 79 hộ thuộc diện hộ nghèo. Cả thôn có khoảng 95 ha đất canh tác, trong đó chỉ có 14,8 ha đất trồng lúa nước và 3,4 ha đất trồng lúa cạn. Số đất còn lại bà con trồng bắp,  trồng sắn nhưng do chăm sóc không đúng kỹ thuật, ít dùng phân bón lại không có hệ thống thủy lợi nên năng suất rất thấp. Vừa qua một số hộ đã trồng được 12 ha cà phê nhưng do chất đất không phù hợp, lại chưa có kinh nghiệm trong khâu chăm sóc nên cây cà phê phát triển kém. Trong thôn rất nhiều gia đình ít đất sản xuất nhưng lại đông con nên cuộc sống hết sức khó khăn như các gia đình: ông Hoàng Seo Giờ có 10 đứa con, ông Lầu A Chứ 8 đứa con...”. Ông Vàng Quốc Tuyền, Trưởng thôn Nao Huh cũng cho biết: “Cả thôn có 167 hộ với 905 khẩu nhưng chỉ có 14 ha lúa nước, 62,5 ha đất bằng trồng bắp, 45 ha đất dốc trồng sắn là đất của Công ty Lâm nghiệp. Vì đất dốc, bạc màu, trình độ canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng rất thấp. Bà con lại không chăn nuôi và không làm được gì thêm. Vì vậy tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm 45,9%”.

Ông Ama Nho, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm cho biết: “Địa phương đang gặp khó khăn về việc giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào di cư vì quỹ đất sản xuất mà địa phương quản lý hầu như đã hết. Trên địa bàn vùng đồng bào di cư vẫn còn vài chục ha đất bằng nhưng hiện tại Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đang trực tiếp quản lý. Để giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo và tránh tái nghèo trong đồng bào di cư, địa phương đã đề nghị cấp trên giải quyết thêm đất sản xuất cho bà con bằng quỹ đất bằng mà Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đang quản lý; giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý và chăm sóc; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trong đồng bào di cư…”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc