Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo về tai nạn thương tích trẻ em

09:05, 29/06/2013

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì có 6 loại tai nạn dễ gặp ở trẻ em, xếp sau đuối nước là: chấn thương do té ngã, côn trùng đốt, rắn cắn, ngộ độc, bỏng lửa, nước sôi, điện giật, sét đánh. Do nhận thức của trẻ còn thấp, trẻ lại hiếu động, tò mò, thích hành động một mình nên dễ xảy ra những tai nạn đau lòng.

 Trẻ em dễ bị thương tích do té ngã  khi leo trèo.
Trẻ em dễ bị thương tích do té ngã khi leo trèo.

Dù mới nghỉ hè được vài ngày nhưng bé Trâm Anh (11, tuổi ở khối 7A,  phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) phải ở nhà một mình để ba mẹ đi làm xa. Em cùng nhóm bạn ra khu Lâm Viên cảnh TP. Buôn Ma Thuột chơi ném phi tiêu và vô ý bị phi tiêu đâm vào tay. Tai nạn xảy ra nhưng em sợ không dám báo cho người lớn biết, chỉ khi cha mẹ biết được thì bé mới được đi cấp cứu.

Trường hợp khác, em Lê Văn Tùng (12 tuổi, ở thôn 1, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) bị bỏng trong khi đang nấu canh. Đáng tiếc do không có người lớn ở nhà nên khâu sơ cứu ban đầu đã không được thực hiện. Em Tùng chỉ khóc rồi gọi điện thoại cho mẹ. Lúc mẹ về vết bỏng bị nặng hơn vì ảnh hưởng của độ nóng ở bộ quần áo mà em không biết phải cởi ra ngay…

Ngày 4-6, em Y Ninh Êban (9 tuổi, buôn Akô Dhong, phường Tân Lợi TP. Buôn Ma Thuột) vào rừng hái măng đã bị rắn lục xanh cắn, rất may mà được cấp cứu kịp thời.

Mới đây, ngày 5-6, có 5 em học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số đi chơi ở bến nước Cư Kbang, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). Do mải mê vui đùa cả 5 em đã bị té nhào xuống lề đường và bị thương. Em thì bị lá cây xước vào mắt, em thì bị bong gân tay, em bị cây nhọn đâm vào chân, em bị rết cắn phải vào đưa vào bệnh viện…

Bên cạnh đó việc trẻ em tham gia giúp việc gia đình cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích cho trẻ. Cách đây không lâu em Nguyễn Văn An (thôn 5, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) đã bị đứt tay khi giúp mẹ cắt cỏ cho bò; vết thương của em chậm được điều trị nên có nguy cơ bị hoại tử…

Với các tai nạn thương tích vừa nêu, thực tế cho thấy trẻ em ở nông thôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đáng nói là hầu hết các tai nạn chủ yếu diễn ra trong mùa hè, khi trẻ có nhiều thời gian đi chơi, còn gia đình thì vì bận rộn mà không quản lý được các em. Qua các vụ trẻ bị tai nạn cho thấy hầu hết xảy ra ở các gia đình có mức sống thấp; trẻ phải ở nhà một mình, không có người lớn giám sát.

Bản tính của trẻ là hiếu động, thích leo trèo, chơi các trò chơi nguy hiểm, thích những công việc mới lạ, nhưng điều đáng nói là cha mẹ trẻ chưa có đủ kiến thức để sơ cứu khi trẻ bị tai nạn, nên hậu quả để lại cho trẻ là rất lớn. Đa số các bậc phụ huynh ở nông thôn quan niệm rất đơn giản về tai nạn thương tích, phần lớn chỉ chịu quan tâm khi xảy ra chết người, nên không đề phòng các nguy cơ, tác hại cũng như cách phòng tránh các loại tai nạn thương tích cho trẻ.

Để hạn chế tối đa các tai nạn thương tích, trẻ cần được quan tâm, chăm sóc, giám sát, có không gian chơi đùa an toàn. Trong Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em năm 2013 thì nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”… được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội coi trọng. Theo đó Dak Lak đã chọn 40 hộ gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi của xã Ea Kly (huyện Krông Pak) để làm điểm về xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” để nhân rộng toàn tỉnh. Tuy nhiên thống kê từ 15 huyện trong tỉnh cho thấy, đến ngày 5-6-2013, ngoài 26 ca tử vong do đuối nước thì toàn tỉnh có hơn 100 trường hợp trẻ em và trẻ vị thành niên mắc tai nạn thương tích với nhiều lý do khác nhau. Từ đó cho thấy việc triển khai các chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ ở nông thôn cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc