Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

09:08, 12/06/2013

Hết lòng gắn bó với hội 

Tham gia công tác hội phụ nữ từ năm 2007, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Quaih, xã Ea Kênh (Krông Pak), chị Nguyễn Thị Lịch đã có nhiều việc làm thiết thực, góp phần đưa buôn Quaih trở thành một trong những chi hội điển hình của xã. Bằng sự tận tình, chu đáo, chị đã tạo được mối quan hệ gắn bó với chị em, nắm bắt tâm tư tình cảm của từng hội viên. Chị cũng là người luôn tìm tòi, học hỏi, tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc để tự nâng cao kiến thức cho bản thân và phổ biến lại cho chị em trong mỗi buổi sinh hoạt định kỳ. Qua đó cũng là “diễn đàn” để chị em có thể chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và trút bầu tâm sự để cùng nhau xây dựng tốt cuộc sống gia đình. Chị Lịch chia sẻ, thời gian đầu khi mới tham gia vào hội, chị em còn rất e dè, nhút nhát, cả chi hội cũng chỉ hơn 20 người, việc vận động chị em tham gia các phong trào của địa phương vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chị đã kiên trì đến từng nhà để giải thích, vận động chị em mạnh dạn tham gia các phong trào, từng bước giúp chị em trong buôn ngày càng tin tưởng, gắn bó hơn với hội. Đến nay, Chi hội phụ nữ buôn đã phát triển hơn 120 hội viên, chị em có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được chi hội giúp đỡ, tín chấp. Bên cạnh đó, tổ tiết kiệm của chi hội được gây dựng đầu năm 2012, đã huy động được 19 triệu đồng, tuy không lớn nhưng cũng phần nào hỗ trợ kịp thời những gia đình phụ nữ trong buôn gặp hoạn nạn, khó khăn. Chị Lịch còn là một hòa giải viên có uy tín của buôn, chị đã góp phần hòa giải thành công vụ gia đình hội viên mâu thuẫn. Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Kênh cho biết: với sự nhiệt tình, năng động của chị Lịch, hoạt động của chi hội buôn Quaih đã có nhiều chuyển biến tích cực, nay đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của xã, nhất là đã xây dựng thành công các mô hình: gia đình không có người thân vi phạm pháp luật, gia đình tích cực phòng chống ma túy… Đặc biệt, tháng 6-2012, triển khai phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,  Chi hội buôn Quaih được Hội Phụ nữ xã chọn là một trong 3 đơn vị điểm về mô hình nuôi heo đất tiết kiệm.  Sau 9 tháng phát động, từ số tiền các chị em tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng, chi hội đã hỗ trợ cho chị Nguyễn Thị Thư vay để phát triển kinh tế gia đình.

Hạnh phúc khi được chăm sóc sức khỏe cho mọi người

Gần 30 năm công tác tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Bác sĩ Nguyễn Thị Hường (Trưởng khoa chăm sóc sức khỏe Vị thành niên nam học) càng thêm yêu quý và gắn bó với công việc. Được tư vấn, khám chữa bệnh cho bệnh nhân chị càng hạnh phúc khi được góp phần đem lại niềm vui cho mọi người

Bác sĩ Hường tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản tại trung tâm.
Bác sĩ Hường tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản tại trung tâm.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Hường là sự hiền lành, nhanh nhẹn và tận tình trong công việc. Được biết, chị không những là một bác sĩ giỏi, mà còn là một phụ nữ đảm việc nhà. Với vai trò là một Trưởng khoa, thế nhưng hằng ngày bác sĩ Hường vẫn tham gia cùng đồng nghiệp tiếp đón bệnh nhân, tư vấn và khám, chữa bệnh cho người bệnh. Dù thường xuyên bận rộn với một “núi” công việc như vừa làm quản lý, vừa khám chữa bệnh tại trung tâm; phụ trách chương trình truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh và những chuyến công tác tại vùng sâu, vùng xa… nhưng chị vẫn hoàn thành tốt mọi việc. Mỗi ngày, được tư vấn, khám chữa bệnh cho mọi người đối với chị là một niềm vui bởi thực tế hiện nay công tác giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản là hết sức cần thiết, nhất là trong lứa tuổi vị thành niên. Theo chị việc giáo dục cho trẻ vị thành niên những kiến thức về sự thay đổi về thể chất, tinh thần, về quá trình sinh sản, vai trò làm bố, mẹ… chính là sự chuẩn bị tốt nhất trước khi các em thực sự trưởng thành. Không những thế, bác sĩ Hường còn thường xuyên tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ khi cần. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị luôn trăn trở với công việc được giao, nỗ lực trong công tác chuyên môn, đồng thời dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để góp phần nâng cao uy tín, tạo được sự hài lòng của nhân dân đối với Trung tâm. Trong công việc, bác sĩ Hường luôn là người tiên phong trong các hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn miễn phí tại các xã vùng sâu, vùng xa. Niềm vui lớn nhất của vị bác sĩ này là sau mỗi chuyến đi, nhận thức của bà con nhân dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe được nâng lên và đời sống của họ ngày càng phát triển. Cũng chính trong những chuyến đi đó, hình ảnh về cuộc sống khó khăn, vất vả và thiếu hiểu biết, điều kiện chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế đã giúp chị càng thêm yêu quý và tâm huyết với nghề. “Còn nhớ cách đây không lâu, trong một lần đi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại một xã vùng sâu của huyện M’Drak, dù trời mưa nhưng người dân vẫn tập trung đông đủ để nghe tư vấn vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, thai nhi và kế hoạch hóa gia đình... Lúc đó, tôi mới cảm nhận hết sự khó khăn, thiếu thốn của họ về các kiến thức này”, bác sĩ Hường chia sẻ

Để sắp xếp hài hòa giữa công việc chuyên môn và vai trò, trách nhiệm của người vợ, người mẹ chị không quên kể với chúng tôi về sự chia sẻ và cảm thông của chồng và các con. Có được người bạn đời luôn quan tâm, động viên và sẵn sàng san sẻ việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ con cái cũng như những buồn vui trong cuộc sống là động lực giúp chị phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Hiện tại, con trai lớn của chị vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học; còn đứa con trai út thì vừa học xong chương trình lớp 1, chị mỉm cười hạnh phúc khi nói về gia đình.

Ở nhà, chị cũng là cô giáo

Cô H’Ni  (bìa trái)  đến nhà  vận động phụ huynh cho trẻ  ra lớp.
Cô H’Ni (bìa trái) đến nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp.

Cô H’Ni Êban, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) thường ngại nói về những vất vả, lo toan của mình trên bước đường mưu sinh nuôi các con ăn học, nhưng rất say sưa kể về thành tích học tập của chúng. Với cô, các con khôn lớn, thành đạt là tài sản quý nhất. Cô kể, hai vợ chồng chỉ có 3 sào rẫy, con đông, lo cho đứa lớn rồi đứa nhỏ, khốn khó đủ đường. Đồng lương giáo viên hồi ấy “ba cọc ba đồng”, ngoài giờ lên lớp cô phải trồng thêm hoa màu, nuôi heo, gà để có thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Thấy vậy, không ít người trong buôn bảo H’Ni cho con nghỉ học để chúng phụ giúp công việc rẫy nương. “Thương mẹ, các con cũng muốn nghỉ học, nhưng mình không cho”, cô H’Ni tâm sự. Đáp lại công lao của mẹ, các con của cô đều học giỏi chăm ngoan và lần lượt vào đại học. Mừng, nhưng cũng từ đó đôi vai cô  ngày thêm nặng gánh hơn. Một ngày làm việc của cô H’Ni bắt đầu từ tờ mờ sáng, soạn bài, đến lớp 10 giờ 30, tiếng trống tan trường vừa điểm lại tất tả lên rẫy, hơn 13 giờ về nhà ăn vội cơm trưa để kịp đầu giờ chiều lên trường dạy tăng cường tiếng Êđê cho học sinh, buổi tối lại đến nhà bà con trong buôn, vận động học sinh bỏ học ra lớp..., cứ thế, cuộc sống của chị gần như không hề có thời gian cho riêng mình. Dẫu vậy, chị không bao giờ than vãn, luôn nén nỗi vất vả vào trong lòng để các con yên tâm học tập. Nhiều hôm các con điện thoại về xin tiền đóng học phí, trong nhà không có “một xu”, phải đi vay, mượn hàng xóm nhưng chị H’Ni vẫn bảo mẹ sẽ gởi tiền cho các con sớm nhất. Dẫu gánh mưu sinh đè nặng hai vai, nhưng cô giáo H’Ni biết sắp xếp công việc hợp lý, khi đến trường thì để việc ở nhà lại phía sau, còn khi về nhà thì dù bận rộn đến mấy cũng phải dành thời gian soạn bài, đến nhà phụ huynh vận động trẻ đi học chuyên cần. Với những cháu nhỏ, cô giáo H’Ni mua vở, bút, lồng đèn động viên các cháu đến trường. Những học sinh có học lực yếu, cô H’Ni tỉ mẫn giảng dạy bằng hai thứ tiếng giúp các em hiểu bài hơn. Nhờ đó, nhiều học sinh ở buôn Ju sau khi bỏ học đi lượm cà phê đã quay trở lại lớp, nhiều phụ huynh đã vui vẻ đưa con đi học.

Giỏi việc hội, việc nhà

Là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), chị Nguyễn Thị Xuân luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, trong đó, phải kể đến vai trò của chị với câu lạc bộ (CLB) phụ nữ với công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) tại địa phương. Không chỉ vậy, chị còn là tấm gương tiêu biểu về nuôi dạy con cái thành đạt ở địa phương.

Chị Xuân  chăm sóc  đàn heo, gà.
Chị Xuân chăm sóc đàn heo, gà.

Bản thân cũng là chủ nhiệm CLB từ ngày thành lập đến nay, chị Xuân luôn nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động chị em tham gia, đến nay CLB đã thu hút gần 90 chị em thành viên. Để số hội viên ngày càng đông hơn, ngoài việc duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt, chị còn đề xuất với ban chủ nhiệm cách đổi mới nội dung sinh hoạt CLB, tránh tuyên truyền khô khan, gây nhàm chán, cùng với lồng ghép các chương trình văn hóa, văn nghệ, xây dựng các tiểu phẩm hài, các thành viên CLB đã truyền đạt đến từng người, dòng họ, thôn xóm những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ được nhiều người nắm rõ. Giờ đây, tất cả các khu dân cư tại địa phương đều cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang để buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây ách tắc giao thông; hình thành các tổ phụ nữ vận động chồng con không lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông; sử dụng phao cứu sinh đúng cách khi đi đò. Chị cho biết, việc tuyên truyền để mọi người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật về giao thông cần sự chịu khó và kiên nhẫn, dần dần sẽ thuyết phục được mọi người. Trong những năm qua với sự nỗ lực của bản thân chị Xuân và các thành viên CLB đã thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến từng chi hội về công tác bảo đảm ATGT, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội nên trên địa bàn không xảy ra các vụ trộm cắp tài sản, các tệ nạn xã hội cũng giảm nhiều, đặc biệt xã không có tệ nạn ma túy.

Mặc dù rất bận rộn với công tác hội, nhưng do biết sắp xếp thời gian hợp lý nên mọi việc ở nhà từ việc nuôi dạy con cái đến phát triển kinh tế gia đình, chị đều lo toan rất chu đáo. Với gần 200 con gà thả vườn và khoảng 10 con heo lai, hàng tháng cũng giúp gia đình chị có đồng vốn tích trữ để lo cho con cái học hành, lập thân lập nghiệp. Nhờ vậy, 4 người con của chị đều ăn học đến nơi đến chốn, hiện đã có công ăn việc làm ổn định, trong đó có 3 người con học từ cao đẳng đến đại học.

Hương Thúy - Hoa Tuyết 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.