Phiền phức facebook
Theo một khảo sát gần đây của Tổ chức We are social (Anh) nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu thì trung bình cứ 3 giây có thêm một người dùng facebook ở Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 12 triệu người sử dụng facebook ở nước ta. Facebook đã trở thành trang mạng xã hội có chức năng chia sẻ thông tin, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người. Bên cạnh những tác dụng tích cực, nó cũng gây ra những phiền toái đối với người sử dụng.
Thay vì đọc báo, nói chuyện, nhiều bạn trẻ ngày nay lại đến quán cà phê để lướt facebook. |
Phát triển vài năm trở lại đây, facebook đã giúp nhiều người tìm thấy bạn bè của mình, tìm được sự đồng cảm và chia sẻ. Đặc biệt khi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống, việc “lướt face”, xem lại hình ảnh đã đăng của mình và comment (bình luận) trên các dòng status (trạng thái) có tác dụng giải tỏa căng thẳng rất tốt. Tuy nhiên, thế giới ảo của facebook khiến cho nhiều người mắc hội chứng “nghiện face”, muốn “lên face” bất cứ khi nào có cơ hội và dần biến thành “nô lệ” của facebook khi nào chẳng biết.
Mới bước vào thế giới facebook chưa đầy một năm nhưng chị Nguyễn Thị Hoa, một nhân viên văn phòng trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) đã nhiều lần gặp rắc rối vì facebook và tự nhủ sẽ bỏ nó nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Chị cho biết, trước đây chị thường đi làm đúng giờ và làm việc rất hiệu quả. Nhưng sau khoảng một tháng chơi facebook, chị thường lên cơ quan sớm và về trễ không phải để làm việc mà tranh thủ lên facebook. Về nhà, cũng online vào facebook qua điện thoại khiến việc nhà trì trệ, mất thời gian nghỉ ngơi.
Mấy tháng gần đây, bà Trần Thị Dung ở đường Hoàng Diệu (TP. Buôn Ma Thuột) lo lắng không yên vì kỳ thi đại học gần đến rồi mà “cậu con quý tử” của bà ngày nào cũng facebook, không chịu học hành, nghỉ ngơi. “Trang bị máy tính nối mạng Internet để con học tập, nhưng nó thường xuyên lên mạng, vào facebook “chát chít” với bạn bè. Nó bảo là giải trí nhưng cứ lên suốt; không nhắc là không dứt ra. Ở nhà cấm thì chúng nó ra quán net, lên qua điện thoại, tranh thủ mọi lúc mọi nơi…”, bà Dung than vãn.
Không chỉ làm mất thời gian, những lời “chém gió” trên facebook còn mang lại nhiều rắc rối cho người dùng. Trên thực tế không khó bắt gặp những trường hợp hiểu lầm từ facebook rồi sinh ra cãi vã, giận dỗi, thậm chí giải quyết bằng “nắm đấm”, làm sứt mẻ tình bạn. Bên cạnh đó, các thông tin quảng cáo, thông tin xấu có tính chất đồi trụy, kích dục… len lỏi vào facebook ngày càng nhiều khiến cho giới “ghiền face” – chủ yếu là trẻ vị thành niên bị “đầu độc”, gây bức xúc trong cộng đồng mạng. Thực tế có không ít người lên facebook chỉ với mục đích đăng hình ảnh, đăng status để “câu like” và các lời comment. Để đạt được nhiều lời bình và nhiều cái like, họ chọn những bức ảnh, câu chuyện có tính phản cảm hoặc lợi dụng lòng thương người của nhân loại đăng những bức hình em bé què chân, què tay… với các câu quen thuộc như “mỗi like giúp em bé có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn”, hay “chỉ cần bấm like là bạn đã ủng hộ em bé 0,5 đồng để giúp em vượt qua khó khăn”… Bạn Phương Nhi (TP. Huế) cho biết: “Mình có thói quen lên facebook để hỏi thăm bạn bè, nhưng thời gian gần đây việc các hội, các nhóm đăng các hình ảnh của các em bé tật nguyền để “câu like”, comment thật không thể chấp nhận được. Mình thấy các nút like đó thật vô cảm vì thực tế các thông tin đó chưa được xác thực và việc bấm like đó chả giúp gì cho người trong bức hình cả mà còn làm mất thời gian của mọi người…”. Thường những bức hình này số người vào xem, bấm like, bình luận lên tới con số hàng triệu. Thử làm một phép tính thời gian với một bức hình có 1.000.000 like ta có: bình quân mỗi lượt xem rồi like là 3 giây, như vậy bức hình này đã tiêu tốn của nhân loại 833 giờ, tương đương thời gian 34 ngày đêm của một người. Không chỉ có một mà trên thế giới facebook có hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh như thế, thiệt hại kinh tế là không thể tính được. Ở Việt Nam, một số nhà mạng như FPT, VNPT, Viettel đã có thời gian chặn facebook nhưng đây chưa hẳn là một cách làm hay bởi cấm truy cập thì có những cách khác để vào facebook như: tải hotspot shield, ultrasurf, thay đổi DNS…
Thiết nghĩ thế giới facebook vô cùng phong phú, mọi người nên lựa chọn các thông tin để tiếp cận, tự kiểm soát thời gian và chọn lựa bạn online phù hợp để tránh những tác động không tốt của mạng xã hội này.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc