Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Phát huy vai trò chủ thể của nông dân

08:34, 12/06/2013

Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển sản xuất cũng như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực của hội viên, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Những việc làm cụ thể

Trước đây, con đường cuối thôn 1 (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) là đường cụt do bị chắn ngang bởi rẫy cà phê của gia đình ông Phan Đình Liêm. Vì vậy, hơn 10 hộ dân phải đi đường vòng cách xa gần 2km mới đến được rẫy để chăm sóc, thu  hái, vận chuyển cà phê về nhà. Khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai xuống tận nông hộ, vợ chồng ông Liêm đã bàn bạc, thống nhất cắt đôi mảnh vườn, chặt bỏ 20 cây cà phê kinh doanh và một số cây ăn quả để hiến 230 m2 đất (trị giá khoảng 60 triệu đồng) nhằm mở rộng, thông thương con đường thôn 1. “Xây dựng nông thôn mới thì nông dân được hưởng lợi đầu tiên nên khi hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi không ngần ngại hiến đất, góp công nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Từ ngày “thông” được con đường, bà con đi lại thuận tiện hơn, không còn vất vả như trước, gia đình tôi thấy rất vui”, ông Liêm cho hay. Không chỉ tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng, nâng cấp giao thông nông thôn, hội viên nông dân còn quan tâm thực hiện tiêu chí môi trường, nâng cao thu nhập, giảm nghèo thông qua những việc làm cụ thể. Chẳng hạn như, 120 hội viên chi Hội Nông dân thôn 3, 4 (xã Ea Kpam) đảm nhận việc trồng, chăm sóc, bảo vệ hàng cây tự quản. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay hàng cây đã xanh tốt, cho bóng mát và quan trọng hơn là góp phần làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, giáo dục ý thức giữ gìn môi trường sinh thái cho thế hệ trẻ. Hay việc các chi hội, hội viên nông dân cùng Ban Tự quản đứng ra thành lập tổ thu gom rác thải tại 8/9 thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Kpam nhằm cải thiện vệ sinh môi trường. Định kỳ mỗi tuần 2 lần, các tổ thu gom rác thải đến từng cụm dân cư tiến hành thu gom rác tập kết tại bãi rác của xã, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong phát triển kinh tế, cùng với sự “tiếp sức” của tổ chức Hội về nguồn vốn, tín chấp mua phân bón, cây, con giống trả chậm…, nông dân đã phát huy nội lực, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm hình thành các vùng chuyên canh tập trung như lúa, cà phê, tiêu, chăn nuôi bò, cá… nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đường giao thông thôn 1 (xã Ea Kpam) do ông Phan Đình Liêm (bên phải) hiến đất mở rộng, nâng cấp.
Đường giao thông thôn 1 (xã Ea Kpam) do ông Phan Đình Liêm (bên phải) hiến đất mở rộng, nâng cấp.

Từ các phong trào thi đua xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, gia đình, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi đã thu được kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2008 đến nay, hội viên nông dân các cấp trong tỉnh đã đóng góp gần 23 tỷ đồng, trên 192.600 ngày công lao động, hiến 12,5 ha đất để xây dựng, nâng cấp, mở rộng trên 3.300 km đường giao thông nông thôn, 521 km kênh mương nội đồng, 81 công trình cầu, cống, hồ đập nhỏ. Mỗi năm có trên 161.000 gia đình nông dân đạt gia đình văn hóa, từ 65.000 đến 68.000 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Để nông dân phát huy vai trò chủ thể

Phó Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Tư khẳng định: “Nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc phát huy quy chế dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, các câu lạc bộ nông dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thi, hội diễn...”. Trên cơ sở đó, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, thế mạnh của địa phương, các cấp Hội đã lựa chọn, ưu tiên những tiêu chí cần thực hiện trước như cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, dạy nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phong trào nông dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự xã hội được các cấp Hội triển khai thực hiện hiệu quả thông qua các chương trình phối hợp hoạt động. Chẳng hạn như, Hội phối hợp với lực lượng công an bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, thành lập 11 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; phối hợp với lực lượng biên phòng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn an ninh nhân dân, an ninh biên giới; phối hợp với ngành Tư pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân liên quan đến các vấn đề về đất đai, giao thông đường bộ, hôn nhân - gia đình… Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến những gương điển hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương để cán bộ, hội viên, nông dân dễ hiểu, dễ nhớ và tích cực tham gia thực hiện.

Bên cạnh nỗ lực của hội viên, để góp phần hoàn thành các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, HND các cấp đã tập trung triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” trên cơ sở nâng cao chất lượng, chú trọng khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức các hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.