Multimedia Đọc Báo in

Người trưởng thôn hết lòng vì công việc

14:05, 03/07/2013

Khi mới được bầu làm Trưởng thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (huyện Krông Bông), anh Lò Tiến Dũng (dân tộc Mông) đã rất lo, ngại rằng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ bởi Ea Rớt là một thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn rộng, đường đi lại qua nhiều đèo dốc... Anh Dũng tâm sự: “Thôn Ea Rớt có đến 5 tổ, 255 hộ, 1.156 khẩu; đa số bà con là người dân tộc Mông và theo đạo Tin Lành; cuộc sống hết sức khó khăn vì chưa có sổ hộ khẩu, chưa có giấy chứng minh nhân dân; cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng chưa được đầu tư xây dựng; địa bàn của thôn rất rộng vì bà con ở rải rác, không tập trung. Do đó việc quản lý rất khó khăn; mỗi lần có việc gì phải đến tận từng nhà để thông báo, lấy số liệu do ở đây không có sóng điện thoại, không có loa truyền thanh... Trong khi điều kiện kinh tế của gia đình mình cũng khá khó khăn, con còn nhỏ, vợ thường xuyên đau ốm, trình độ của mình còn hạn chế…, nhiều lúc mình có ý định xin nghỉ nhưng được sự động viên của cấp trên và nghĩ đến sự tin tưởng của bà con nên đã cố gắng khắc phục để làm tròn trách nhiệm…”.

Anh Lò Tiến Dũng (người thứ ba từ trái sang) đang cùng bà con sửa chữa phòng học ở điểm trường Ea Rớt
Anh Lò Tiến Dũng (người thứ ba từ trái sang) đang cùng bà con sửa chữa phòng học ở điểm trường Ea Rớt

Bên cạnh nhiệm vụ của người Trưởng thôn, anh còn rất quan tâm đến công tác giáo dục. Đối với những học sinh có dấu hiệu nghỉ học, anh lại cùng giáo viên chủ nhiệm đến gia đình để động viên các em ra lớp. Vì vậy trong 2 năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh bỏ học của thôn Ea Rớt đã giảm rõ rệt; trong thôn có hơn 30 em học THCS thì không có em nào bỏ học. 6 phòng học và 1 phòng ở giáo viên đều do người dân trong thôn tự làm; vì là phòng học tạm, rất nhanh xuống cấp nên anh vận động bà con thường xuyên đóng góp gỗ, ván, tấm lợp và ngày công để tu sửa. Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 2 ở điểm trường Ea Rớt cho biết: “Tuần nào anh Dũng cũng đến thăm trường 2 - 3 lần xem phòng học, bàn ghế, nhà ở giáo viên, giếng nước có hư hỏng gì để kịp thời sửa chữa và xem thầy, trò có cần giúp đỡ gì không”.

Nói về Lò Tiến Dũng, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Anh Lò Tiến Dũng là người Trưởng thôn rất nhiệt tình, tận tụy và có trách nhiệm với công việc. Tuy mới được bầu làm Trưởng thôn hơn 2 năm nhưng anh được người dân tin yêu vì anh là người nói đi đôi với làm, gần gũi với mọi người và có tinh thần trách nhiệm. Thôn Ea Rớt nằm cách trung tâm xã hơn 20 km, đường đi chủ yếu là đèo, dốc nhưng anh không vắng một buổi họp nào. Mọi công việc được giao như: nắm bắt tình hình, tổng hợp các loại biểu mẫu, báo cáo, triển khai nhiệm vụ, cấp phát chế độ cho bà con... anh đều hoàn thành tốt, đúng thời gian quy định”.

Ngoài ra, anh Lò Tiến Dũng còn là một thành viên tích cực của đội công tác phát động quần chúng 253 của xã Cư Pui. Ở công việc nào anh cũng hoàn thành tốt và được cấp trên tặng Giấy khen. Vừa qua anh vinh dự được Đảng ủy xã Cư Pui cử đi học lớp cảm tình Đảng.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.