Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Chuyển biến tích cực về thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong đồng bào theo đạo

10:11, 05/08/2013

TP. Buôn Ma Thuột có số dân 339.879 người; trong đó đồng bào theo đạo chiếm hơn 30% dân số, gồm 4 tôn giáo chính là: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Tin Lành.

Từ khi có Quyết định số 261 ngày 26-12-1961 của Chính phủ về việc hướng dẫn sinh đẻ cho nhân dân đến Pháp lệnh Dân số năm 2003, cấp ủy Đảng, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột đã quán triệt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức lồng ghép tuyên truyền ở cơ sở, khu dân cư, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản và thanh thiếu niên… Nhờ vậy nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức tôn giáo về tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ đối với sức khỏe của con người, sự hạnh phúc của mỗi gia đình đã được nâng cao, giảm gánh nặng cho xã hội trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tội phạm trong xã hội… Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố luôn quan tâm đến đời sống của mỗi gia đình giáo dân nên đồng hành rất tốt với chính sách dân số - KHHGĐ do Đảng và Nhà nước ban hành. Các hoạt động tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho giáo dân thông qua các buổi sinh hoạt của Giáo hội được tổ chức đều đặn.

TP. Buôn Ma Thuột luôn phát huy tốt vai trò  của Chức sắc tôn giáo trong công tác Dân số-KHHGĐ.
TP. Buôn Ma Thuột luôn phát huy tốt vai trò của Chức sắc tôn giáo trong công tác Dân số-KHHGĐ.

Đối với đạo Công giáo, TP. Buôn Ma Thuột có 16 giáo xứ; 11 giáo họ độc lập, với tổng số 49.052 giáo dân. Hằng năm, tất cả các giáo xứ, giáo họ đều tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống hiếu thảo và hòa thuận trong giáo dân. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết, nam nữ có giấy đăng ký kết hôn thì linh mục giáo xứ mới làm phép hôn phối; hiếm có tình trạng ly hôn hoặc bạo lực gia đình. Nhiều giáo xứ còn mời bác sĩ chuyên khoa sản đến tư vấn, chiếu phim tuyên truyền sức khỏe sinh sản và hôn nhân – gia đình cho các đối tượng tuổi sinh đẻ và cho thanh thiếu niên để trang bị kiến thức về dân số - KHHGĐ và sức khỏe sinh sản… đem lại lòng tin cho giáo dân để thực hiện tốt KHHGĐ. Tiêu biểu như: giáo xứ Châu Sơn (xã Cư Êbur), giáo xứ Duy Hòa (phường Khánh Xuân); giáo xứ Đoàn Kết (xã Hòa Khánh), giáo xứ Dũng Lạc (phường Tân Lập)…

Còn đạo Tin Lành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có từ năm 1932, hiện có 18.970 tín đồ; trong đó, tín đồ dân tộc thiểu số tại chỗ có 17.400 người. Từ năm 2001 trở về trước, việc sinh con của các cặp vợ chồng còn sinh theo tự nhiên, bình quân mỗi cặp vợ chồng có từ 5-6 con. Họ còn thích sinh nhiều con gái (theo chế độ mẫu hệ) để duy trì họ mẹ và phong tục nữ cưới chồng để tăng lao động nam cho gia đình bên vợ; tục lệ kết hôn cận huyết thống (con cô – con cậu ruột lấy nhau) còn xảy ra. Thông qua tuyên truyền trong tín đồ về chính sách dân số - KHHGĐ và các chương trình vận động đồng bào dân tộc theo đạo Tin Lành bằng các hình thức như: trong truyền đạo có lồng ghép về sinh đẻ có kế hoạch; sinh hoạt riêng theo giới tính (1 lần/tháng) và sinh hoạt thảo luận chung cả giới nam và nữ 1 lần/quý theo từng chuyên đề về sinh đẻ có kế hoạch và nuôi dạy con cái, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ… nên tục lệ kết hôn cận huyết thống đã được xóa bỏ, nam – nữ thực hiện kết hôn tự nguyện (đã xóa bỏ việc hứa hôn như trước đây) và có đăng ký kết hôn theo pháp luật mới được mục sư làm lễ công nhận… Bên cạnh đó, do môi trường và điều kiện các dân tộc sống đan xen nhau nên đã có sự học hỏi, giao lưu từ đó tác động đến nhận thức trong cuộc sống hôn nhân và gia đình đối với đồng bào theo đạo. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trong đồng bào theo đạo đã giảm rất nhiều, điển hình như: trẻ em từ mới sinh đến 12 tuổi tại chi hội Tin Lành buôn Alê A năm 2012 chỉ có 120 cháu (thấp hơn 85 cháu so với năm 2001)…

Thực tế cho thấy, hiện nay quan niệm về sinh con đối với đồng bào theo đạo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều tiến bộ, mỗi cặp vợ chồng đều hướng tới chỉ sinh 1 hoặc 2 con để nuôi dạy cho tốt. Từ đó, tác động tích cực đến mức giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn thành phố. Năm 2002, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 3,8 con, đến năm 2012 giảm xuống còn 2,13 con; tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên từ 14,46% giảm còn 8,26%; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên từ 1,45% giảm còn 1,005%...

Trương Vĩnh Mai - Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc