Multimedia Đọc Báo in

Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar: Góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ giai đoạn mới

08:15, 28/09/2013

Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ mới, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar đã và đang nỗ lực, tích cực triển khai, đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 343 của Chính phủ về “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015” với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo và có sức lan tỏa rộng khắp.

Hội viên Chi hội phụ nữ xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar)  phân loại sản phẩm nông nghiệp.
Hội viên Chi hội phụ nữ xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar) phân loại sản phẩm nông nghiệp.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về nội dung của Đề án 343, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã quán triệt triển khai bằng nhiều hình thức hoạt động như tập huấn, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB)… gắn với tuyên truyền xây dựng “gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đối với chị em hội viên. Cùng với đó, để đề án đi vào chiều sâu, đến được nhiều đối tượng như thanh niên, công nhân, tiểu thương..., các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng các mô hình, tổ, nhóm, câu lạc bộ (CLB) như CLB Người phụ nữ mới, Phụ nữ thế kỷ 21, Người phụ nữ hiện đại... với hàng trăm thành viên tham gia. Các thành viên là những người tiên phong trong công tác thực hiện và tuyên truyền các nội dung của đề án đến các hội viên, gia đình và người dân trên địa bàn. Bằng những cách làm cụ thể, sáng tạo và sát với thực tiễn, các hội viên phụ nữ đã không quản ngại khó khăn, đến từng hộ gia đình trên địa bàn mình sinh sống để vận động chị em tham gia vào chi hội phụ nữ thôn, buôn, đồng thời luôn nêu cao và phát huy phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Đặc biệt, thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, đơn vị và chính quyền địa phương khuyến khích, vận động các hộ gia đình, vợ chồng trẻ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nuôi dạy con ngoan…, từ đó đã có không ít gia đình thực hiện và còn khuyến khích, vận động anh em bà con trong dòng tộc làm theo. Chị Lưu Bích Phượng, hội viên ở Chi hội phụ nữ xã Ea H’Đing tâm sự: Tham gia các phong trào hội đã giúp các chị em phụ nữ và người dân trên địa bàn hiểu biết và thực hiện tốt hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng nhau lao động, sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mặt khác, thông qua các tổ, nhóm, CLB…, các hội viên còn giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn làm ăn, giống cây trồng, vật nuôi và nhân rộng các mô hình điểm như mô hình làm nấm, nuôi heo trang trại, sản xuất cà phê sạch tiêu chuẩn 4C trên địa bàn… đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ có sự giúp đỡ, động viên và tuyên truyền của các chi hội phụ nữ trong huyện, đến nay đã có không ít gia đình hội viên và bà con trên địa bàn huyện biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế như gia đình chị Lê Thị Hoan, anh Y Nam Niê ở xã Quảng Hiệp, gia đình anh Ngô Xuân Hòa ở xã Ea Kiết… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chưa hết, chị Lê Thị Thắm ở thôn 4, xã Cư M’gar còn chia sẻ: Được các chị em trong hội phụ nữ xã đến nhà vận động và tuyên truyền về cách xây dựng hạnh phúc gia đình, làm kinh tế giỏi thì vợ chồng chị đã nhiệt tình tham gia vào CLB “Kết nối giữa bố mẹ và con”. Khi tham gia sinh hoạt CLB, vợ chồng chị mới biết con cái mình thường xuyên bỏ học đi chơi, hay đánh nhau bên ngoài nên việc học hành bị sa sút. Qua đó, chị được các hội viên chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, đến nay 2 con của chị đều chăm ngoan, học giỏi và biết giúp đỡ bố mẹ. Năm học vừa qua, cả hai đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến của trường. Trong xã Cư M’gar có một số gia đình chồng hay đánh vợ do uống rượu bia, kinh tế khó khăn, khi tham gia vào tổ, nhóm, CLB do Hội phụ nữ phát động đã được hướng dẫn, tuyên truyền nên đã thay đổi nhận thức và không còn tình trạng đó nữa, gia đình hạnh phúc ấm no…

Chị Hà Thị Hương chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar cho hay, điều đáng mừng là từ khi triển khai thực hiện Đề án 343, Hội đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và khi triển khai được đông đảo mọi người ủng hộ. Số lượng hội viên phụ nữ ngày một đông trong đó có cả chị em là người dân tộc thiểu số, đây là điều đáng mừng đối với địa phương. Từ đó, nhiều phong trào xã hội được chị em hưởng ứng và tham gia nhiệt tình như, quyên góp tiền của làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như cổng, tường rào trường mẫu giáo thôn, buôn, nhà văn hóa cộng đồng…, góp phần hoàn thành tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Để tiếp tục phát huy tính hiệu quả của Đề án 343, trong thời gian tới Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cộng đồng, kết hợp với các phong trào, đề án và chương trình của các đoàn thể khác trong huyện, góp phần giúp đỡ người dân vươn lên trong cuộc sống.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.