Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm cháy, nổ với tiểu thương: Vẫn còn như mới!?

16:02, 13/10/2013

Ngày 8-11-2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 130 Quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, trong đó đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ.

Tuy nhiên, trước thông tin về một số vụ cháy chợ, cháy trung tâm thương mại gần đây, nhìn lại mới giật mình vì gần 10 năm trôi qua, quy định này vẫn còn như mới, nhất là đối với các tiểu thương…

Chưa mặn mà

Đã có thâm niên gần 30 năm kinh doanh mặt hàng bánh kẹo trong chợ Buôn Ma Thuột (từ lúc còn chợ cũ), bà Cao Thị Xuân Thu chưa một lần tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ vì theo như bà Thu cho biết thì bà chưa biết đến loại hình bảo hiểm này. Đây cũng là câu trả lời của nhiều tiểu thương khác hiện đang kinh doanh tại chợ Buôn Ma Thuột. Chưa rõ là họ không biết thật hay chỉ là cái cớ để biện hộ nhưng có một thực tế là số tiểu thương mua bảo hiểm cháy, nổ rất ít. Với khoảng 600 hộ đang buôn bán tại đây, chỉ có gần 50 hộ đã tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ, trong khi mức phí bảo hiểm chỉ tính bằng 0,263%/giá trị tài sản/năm. Điều đáng nói là phần lớn họ tham gia chỉ để hoàn tất các thủ tục, điều kiện được vay vốn ngân hàng, chứ không phải thực sự xuất phát từ nhận thức mà tự nguyện tham gia. Theo đó, tất nhiên, khi có rủi ro cháy nổ, đối tượng nhận bồi thường rủi ro sẽ là ngân hàng chứ không phải tiểu thương. Riêng tại chợ đầu mối Tân An, hiện chợ có khoảng 700 hộ tiểu thương đang kinh doanh, trong đó có 570 hộ buôn bán đồ khô, quần áo nhưng cũng chưa có tiểu thương nào tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ mặc dù đây là một trong những điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ do cơ sở hạ tầng xập xệ, hàng hóa bày bán tràn lan, tự phát, không khoa học.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác PCCC tại chợ Buôn Ma Thuột.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác PCCC tại chợ Buôn Ma Thuột.

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 chợ, trung tâm thương mại và siêu thị; trong đó có 2 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 13 chợ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và 88 chợ xã, phường, thị trấn. Đáng quan tâm là nếu như các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đều được đầu tư xây dựng cơ bản thì phần lớn các chợ xã, phường, thị trấn chủ yếu là chợ tạm. Chợ Buôn Ma Thuột, chợ Tân An được coi là chợ đầu mối, trung tâm của tỉnh, hàng hóa buôn bán với số lượng lớn mà số tiểu thương tham gia bảo hiểm cháy, nổ còn đếm trên đầu ngón tay, nói gì đến những chợ tạm. 

Nhận thức hạn chế vẫn là rào cản

Chợ, trung tâm thương mại là một trong những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 130. Qua tìm hiểu có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiểu thương buôn bán tại các chợ tham gia loại hình bảo hiểm này còn thấp. Về phía các tiểu thương, vấn đề chính là do nhận thức. Nhiều người lạc quan khi cho rằng có mấy khi cháy mà phải mua bảo hiểm cho tốn kém. Sau những thông tin cháy ở đâu đó, có người lo lo cũng đi mua nhưng được một thời gian thấy mọi sự chẳng sao nên lại thôi không mua nữa. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương bán quần áo tại chợ Buôn Ma Thuột là một ví dụ. Bà Hạnh cho biết: Cách đây vài năm khi nắm được thông tin, bà cũng mua bảo hiểm cháy, nổ đề phòng rủi ro vì gia sản của cả nhà đều trông vào sạp quần áo ở chợ. Nhưng tham gia được một năm, thấy chợ cũng có hệ thống phòng cháy chữa cháy và chị em tiểu thương bên cạnh cũng chẳng có ai mua nên bà không tiếp tục mua nữa. Ngoài vấn đề nhận thức, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng cũng là một trong những nguyên nhân khiến bảo hiểm cháy, nổ vẫn còn… mới. Nhiều tiểu thương khi được hỏi tỏ ra ngơ ngác vì không biết mua bảo hiểm này ở đâu, trong khi trên địa bàn tỉnh hiện có 19 doanh nghiệp tham gia kinh doanh bảo hiểm (bảo hiểm phi nhân thọ 13 doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ 6 doanh nghiệp), trong đó một số doanh nghiệp cũng đã kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ như Bảo Minh Dak Lak, BIDV, Pijico…

Còn về phía các công ty bảo hiểm, ý thức và nhận thức của tiểu thương chưa được nâng chưa cao chính là rào cản lớn nhất khiến họ chưa thể xông xáo để tham gia cung cấp loại hình bảo hiểm này. Bởi mua bảo hiểm chỉ là một biện pháp phòng tránh, hỗ trợ tổn thất, rủi ro. Để giữ hệ số an toàn cho cả đôi bên, trong quá trình đi khảo sát, nhân viên bảo hiểm luôn tư vấn để khách hàng kiện toàn các phương án phòng cháy chữa cháy trước khi tính toán, thống nhất mức phí và ký hợp đồng. Ông Trần Quốc Phúc, Phó Giám đốc Bảo Minh Dak Lak thẳng thắn: Khi khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng không đáp ứng được những điều kiện cơ bản để hạn chế rủi ro thì doanh nghiệp cũng không dám bán. Bản thân các tiểu thương cũng phải ý thức việc ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ mua bán để chứng minh thiệt hại khi có rủi ro xảy ra.

Phòng tránh cháy chợ, hạn chế tổn thất, điều quan trọng là nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng thời nâng cao ý thức tiểu thương cũng như ban quản lý các chợ về vấn đề bảo vệ tài sản. Trong đó, bắt đầu ngay từ việc bố trí, sắp xếp kinh doanh hợp lý, không đốt nhang thờ cúng trong quầy sạp. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ cũng cho rằng: Cơ quan kiểm tra phòng cháy chữa cháy đi kiểm tra không thấy không bảo đảm các điều kiện, không thấy đối tượng tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nên có biện pháp nhắc nhở, theo dõi, thậm chí áp dụng những hình thức xử phạt nặng hơn để mang tính răn đe. Nhà nước, chính quyền địa phương nên khuyến cáo, nhắc nhở, làm gắt gao, sâu sát hơn với công tác này đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cháy nổ cao. Ban quản lý các chợ nên xây dựng quy chế để yêu cầu tiểu thương tham gia loại hình bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc khi kinh doanh trong chợ, qua đó giúp họ nâng cao nhận thức bảo vệ tài sản bản thân và cộng đồng.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.