Chạnh lòng – những câu chuyện, những cảnh đời
Cuộc sống như cung đàn với nhiều cung bậc cảm xúc. Giữa bon chen, tất bật, hối hả của cuộc mưu sinh, đôi lúc chứng kiến những câu chuyện, những cảnh đời chợt chạnh lòng để thông cảm, yêu thương và ước mong về những điều thánh thiện…
1.Chiếc xe khách có cái tên Sáu Xe chuyển bánh từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang, đến cây số 62 thuộc thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar thì dừng lại đón khách. Một người đàn ông chừng 50 tuổi, gầy gò, gương mặt khắc khổ đứng trước cửa xe. Anh phụ xe nhanh miệng:
- Chú đi đâu? Lên xe đi!
- Không anh cho tôi gửi tiền cho con đang học ở Nha Trang, nói rồi người đàn ông rút ra từ chiếc túi áo ngực 100 nghìn đồng đưa cho anh phụ xe: “Đây anh cho tôi gửi!”.
Anh phụ xe tần ngần:
- Gửi có bấy nhiêu, mất công gửi, tiền phí biết tính sao?
- Anh thông cảm giúp tôi, nhà tôi vét hết cũng chỉ có được ngần ấy mà cháu thì đang cần gấp.
Anh phụ xe ái ngại: “Thôi được rồi, chú nói với con gái đến địa chỉ này để lấy tiền nhé, còn tiền phí gửi thì thôi biếu chú đó!”.
Người đàn ông mừng rơn, rối rít cảm ơn rồi quay lại lấy chiếc xe đạp dựng bên vệ đường. Chuyến xe tiếp tục cuộc hành trình. Không biết con của người đàn ông ấy sẽ giải quyết được những việc gì, lo việc ăn học được trong bao lâu với 100 nghìn ấy. Nhớ đến lời của ông: vét hết cũng chỉ được có 100 nghìn đồng để gửi cho con đang đi học xa, chợt chạnh lòng nghĩ đến buổi chiều nơi phố thị với những quán nhậu đông nghẹt người, những buổi tiệc liên hoan với mâm cao cỗ đầy. Có biết bao 100 nghìn đồng lãng phí trong ấy!?
2. 10 giờ đêm, phòng bệnh yên ắng, bệnh nhân lơ mơ chìm vào giấc ngủ sau những giờ mệt mỏi, vật vã với bệnh tật. Chợt có tiếng những bước chân. Lại một bệnh nhân mới nhập viện. Một bà cụ gầy gò, nói không rõ tiếng. Bác sĩ hỏi mãi mới “dịch” được tên của bà là Đ.T.H, 78 tuổi, nhà ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Bà bị huyết áp cao, viêm phổi, sốt siêu vi, tiêu chảy cấp. Lát sau khi bác sĩ đi rồi, một người phụ nữ xách đồ để lên giường cho bà rồi giọng như xé vải: “Bà cứ quan trọng hóa vấn đề, ăn uống lung tung, cứ ở nhà uống vài viên thuốc là hết!”. Bà cụ chẳng nói gì, nằm rên hừ hừ. Đêm đầu tiên nằm viện, cứ một lát bà lại dậy, một tay cầm chai nước đang truyền dở, một tay chống gậy đi vào nhà vệ sinh, còn người phụ nữ đi cùng bà vẫn nằm ngủ ngon lành. Liên tục những ngày điều trị sau đó, người phụ nữ ấy chỉ đến giờ mới đưa cơm vào cho bà mà lần nào cũng vội vã, hối giục bà cụ ăn cho nhanh để cô ta còn về. Sau đêm nhập viện đầu tiên, những buổi tối sau đó, bà chỉ có một mình. Điều trị được hai ngày, bà nói chuyện được. Nghe bà kể thì ra người phụ nữ ấy là cô con dâu cả. “Đau lòng lắm nhưng cũng chẳng còn ai nên đành nhẫn nhịn, mình để nó làm mẹ chồng còn mình là nàng dâu!”, bà cụ chua chát. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi hai đứa con trai khôn lớn rồi xây dựng gia đình. Bà ở với con trai cả nhưng vợ chồng họ đi làm ăn xa, lâu lâu khi có việc cần mới về. Con trai út làm nghề xe thồ nhưng nghiện rượu rất nặng. Anh ta có vợ và sinh được hai con trai nhưng rồi vợ chồng ly hôn, đứa con lớn của họ chết vì tai nạn, đứa con nhỏ đang học trung học phổ thông cũng phải bỏ học tự kiếm sống. Ngặt nỗi, cô con dâu cả và cậu con trai út của bà như mặt trăng với mặt trời, nằm viện mà bà vẫn phải lo sắp đặt để hai người không chạm nhau trong bệnh viện nếu không sẽ xảy ra xô xát, cãi vã. Cả tuần nằm viện, mọi việc chủ yếu bà phải nhờ đến người nhà của các bệnh nhân khác trong phòng. Nhân nghĩa ở đời, ngẫm mà thương cho bà cụ.
3. Mang thai 6 tháng, chị H.T.H ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Sau hai ngày nằm viện, chị cũng phải đón đứa con gái đầu mới được 2 tuổi vào ở với mình vì không có người chăm sóc cũng như không. Chị H. ngậm ngùi: Ở nhà cũng có chồng và mẹ chồng nhưng chị không yên tâm vì chồng chị làm nghề cắt tóc, không thể trông giữ con bé suốt ngày, hơn nữa đóng cửa tiệm suốt thì mất khách, trong khi cửa tiệm này là nguồn sống của cả gia đình. Còn mẹ chồng chị thì mê mẩn bói toán, đến độ đang trông cháu, hễ có người rủ rê là bỏ cháu đó đi có khi đến 12 giờ đêm mới về. Chị kể, lúc chị mới sinh đứa con đầu được một tuần, bà cũng để mặc cháu và con dâu, đi khấn bái gì ở tận ngoài Bắc, đến 4 tháng sau mới về. Trong nhà điện thờ cúng, hương khói khắp nơi, chị có nói thì bà chửi và bảo từ ngày chị về làm dâu ở cái nhà này, sinh nở ở cái nhà này làm ô uế, thần thánh “giận”, mất linh. Suốt những ngày nằm viện, bà mẹ chồng chẳng đoái hoài đến chị đã đành, mà cháu nội bà cũng bỏ mặc, không cuộc điện thoại hỏi thăm. Hai mẹ con đánh vật với nhau 3 đêm liền trong bệnh viện, con bé quấy khóc và sốt, đi khám thì cũng bị sốt xuất huyết. Nhiều lúc nhìn chị ôm đứa con gái ngủ lịm đi vì mệt và sốt mà thương cho phận làm dâu của chị.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc