Thách thức trong công tác dân số ở Ea Ral
Anh Chiều Văn Khê và chị H’Ksơr ở buôn Tùng Thăng, xã Ea Ral cưới nhau năm 1997, đến nay đã có 5 đứa con, đứa lớn năm nay 16 tuổi, còn đứa con út mới 9 tháng tuổi. Cả 8 người sống chen chúc trong căn nhà nhỏ, thu nhập chính chỉ trông vào 4 sào điều già cỗi. Dù là trụ cột gia đình nhưng do đẻ nhiều nên chị H'Ksor thường xuyên đau ốm; anh Chiều Văn Khê thì không có việc làm ổn định, hằng ngày đi làm thuê làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống… Bao nhiêu năm gia đình anh chị vẫn chưa thoát được cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Những đứa con lớn lên trong sự thiếu thốn cả về cái ăn, cái mặc và học hành. Người con gái lớn của anh chị chưa đầy 16 tuổi đã lấy chồng và cũng sống trong cảnh túng quẫn. Hai đứa còn đang đi học thì bữa học, bữa nghỉ vì bố mẹ chúng không đủ tiền mua sách vở, quần áo...
Gánh nặng đông con đã khiến gia đình chị H’Ksơr ở buôn Tùng Thăng, xã Ea Ral lâm vào cảnh đói nghèo. |
Anh Y Bhang Niê và chị H’Bít Ksơr cũng ở buôn Tùng Thăng cưới nhau năm 2007, khi chị H’Bít mới chỉ 14 tuổi. Đến nay, mới 20 tuổi nhưng chị H’Bít Ksơ đã có hai con. Chị H’Bít Ksơr cho biết: Trước đây, được sự tư vấn của cán bộ dân số, vợ chồng chị có áp dụng biện pháp tránh thai nhưng bị “vỡ kế hoạch”; đến giờ vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai nào. Không những thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, chị H’Bít Ksơr còn mơ hồ về kiến thức làm mẹ an toàn. Chị vẫn quan niệm “đến ngày đau thì sinh thôi, không cần phải khám”, vì vậy, hai đứa con sinh ra đều gầy gò và hay đau ốm. Bên cạnh đó, do cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn nên vợ chồng chị H’Bít không có giấy đăng ký kết hôn, và cả hai đứa con đều chưa được khai sinh. Đứa con lớn đã đến tuổi vào lớp 1 nhưng vẫn chưa đi học vì chưa có giấy khai sinh.
Theo số liệu tổng hợp của Ban Dân số xã Ea Ral, toàn xã hiện có 2.949 hộ với 14.261 nhân khẩu sinh sống ở 15 thôn, buôn; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên vẫn xảy ra phổ biến. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã có 15 cặp vợ chồng tảo hôn. Riêng năm 2013, tỷ lệ trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm 9,8%; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chiếm 20%. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về Dân số-KHHGĐ còn kém; ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, làm mẹ an toàn của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ. Những năm gần đây, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Ea H’leo phối hợp với UBND xã Ea Ral đã đẩy mạnh việc thực hiện chính sách dân số, thực thi Pháp lệnh Dân số; tăng cường truyền thông về dân số bằng nhiều hình thức như: treo băng-rôn, khẩu hiệu, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn hộ gia đình. Tuy vậy, hiệu quả chưa bền vững, một bộ phận nhân dân chưa ý thức được lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, vẫn sinh con tùy thích; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên lúc giảm, lúc tăng.
Thiết nghĩ, tình trạng tảo hôn và sinh đông con tại xã Ea Ral đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa để tìm ra những biện pháp thực hiện hiệu quả công tác dân số-KHHGĐ ở huyện Ea H’leo nói chung và xã Ea Ral nói riêng.
Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc