Ấm lòng nạn nhân chất độc da cam
Dù chỉ là một món quà nhỏ, một lời thăm hỏi, động viên hay tham gia khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình; hỗ trợ, phát triển kinh tế… thì đối với các gia đình có nạn nhân da cam đó cũng là “liều thuốc” giúp họ xoa dịu nỗi đau và cảm nhận được sự ấm áp, chia sẻ yêu thương của cả cộng đồng.
Chia sẻ ước mơ
Đã từng nghe nhắc nhiều đến cụm từ “nạn nhân chất độc da cam” nhưng vợ chồng anh Y Deol Kora ở buôn Cuăh A, xã Yang Reh (huyện Krông Bông) chỉ thực sự cảm nhận được nỗi đau mà nó gây ra khi lần lượt chứng kiến 2 trong số 4 đứa con của mình trở thành nạn nhân của thứ chất độc quái ác kia. Ngay từ khi chào đời năm 2001, con trai đầu là Y Deol Kora đã bị liệt toàn thân, chân tay co rút, trí tuệ không phát triển, mọi sinh hoạt đều nhờ vào bàn tay chăm sóc của mẹ. Không nỡ nhìn con vật vã trong đau đớn, vợ chồng Y Deol bàn nhau bán 6 sào rẫy đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng đều vô vọng. Nỗi đau đó lại nhân lên gấp bội khi cậu con trai thứ 3 là Y Kiu Bdap cũng bị khoèo bàn chân phải, lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết đi, chỉ có thể lết trên sàn nhà. Năm 2013, nhờ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Y Kiu đã được phẫu thuật bàn chân, tập luyện phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và được các tình nguyện viên CTĐ xã đến tận nhà chăm sóc; nhờ vậy, đến nay cháu đã đi lại như bao đứa trẻ bình thường khác. Gia đình anh Y Sếp còn được Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam”, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và UBND huyện Krông Bông hỗ trợ 7,5 triệu đồng cộng với nguồn vốn của gia đình mua 1 con bò để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Anh Y Sếp bày tỏ: “Vợ chồng tôi chỉ mong một ngày được nhìn thấy cháu Y Kiu cất bước tới trường như các bạn trong buôn. Ước mơ đó nay đã thành sự thật nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của Hội CTĐ và các cấp chính quyền. Gia đình tôi rất vui và biết ơn mọi người”.
Cán bộ Hội CTĐ xã Yang Reh thăm hỏi, hướng dẫn anh Y Deol cách chăm sóc cháu Y Sếp Bdap. |
Cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên ngay từ khi chào đời, cháu Lê Công Thiên, con trai đầu của gia đình chị Lương Thị Cẩm Thanh ở thôn 4 (xã Yang Reh) đã bị bại não, nằm liệt một chỗ, không thể nói cười cũng chẳng có khả năng nhận biết. Gia cảnh khó khăn, rẫy nương ít nên mọi chi tiêu, sinh hoạt và chi phí thuốc men cho Thiên đều trông cả vào những đồng tiền bố vất vả làm thuê kiếm được. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn đó, tháng 7-2013, Hội CTĐ tỉnh và các cấp chính quyền đã hỗ trợ gia đình chị 1 con bò; các tình nguyện viên CTĐ xã cũng thường xuyên đến tận nhà thăm hỏi, cứu trợ đột xuất và hướng dẫn cách chăm sóc cháu Thiên. Chị Thanh xúc động: “Gia đình tôi đã phải gánh chịu nỗi đau da cam hơn 20 năm nay, khó khăn, vất vả không sao kể hết, nhưng được sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng nên cũng cảm thấy ấm lòng hơn”.
Mở rộng vòng tay nhân ái
Những năm qua, Hội CTĐ các cấp đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò – Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”… thu hút, huy động được sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng đóng góp, chia sẻ khó khăn với các gia đình có nạn nhân da cam. Qua đó, chỉ tính riêng trong năm 2013, đã có hơn 40.200 hộ gia đình nghèo và nạn nhân da cam được thăm hỏi, tặng quà; 131 hộ gia đình được hỗ trợ bò; 2.966 đối tượng được trợ giúp thường xuyên với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao và nhiều nạn nhân da cam, các cấp Hội đã kêu gọi, vận động 147 đoàn đến khám chữa bệnh, tặng quà, trao học bổng, cấp xe lăn, ghế tập đi, hỗ trợ xây nhà, lớp học mẫu giáo… góp phần rất lớn vào công tác an sinh xã hội của địa phương. Riêng Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam” năm 2013 được triển khai tại huyện Krông Bông và Ea Súp đã hỗ trợ bò nuôi cho 138 gia đình, tổ chức tuyên truyền phòng ngừa dị tật bẩm sinh bằng hai thứ tiếng Kinh và Êđê; khám sàng lọc cho 115 đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 45 trường hợp, cấp 30 dụng cụ trợ giúp các bệnh nhân nặng không có khả năng tự phục vụ. Nhờ vậy, nhiều đối tượng đã có thể đi, đứng và tự phục vụ sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương cũng triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nạn nhân da cam. Chẳng hạn như, Dự án “Bò sinh sản” tại các huyện Cư M’gar, Ea Kar, M’Drak, Lak, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ; Dự án hỗ trợ vốn phát triển kinh tế ở các huyện M’Drak, Krông Năng, Krông Buk, Krông Ana và thành phố Buôn Ma Thuột.
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lê Xuân Hồng cho biết: Qua thực tế hoạt động, Hội CTĐ các cấp ngày càng thể hiện vai trò nòng cốt, là cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, huy động được sự tham gia của cả cộng đồng và toàn xã hội cùng chăm lo cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam. Con số hơn 51,6 tỷ đồng thực hiện các hoạt động cứu trợ xã hội trong năm 2013 không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà còn là sự chia sẻ, động viên về tinh thần để các gia đình có nạn nhân da cam thêm ấm lòng, vững tin vào cuộc sống. Mặc dù vậy, so với những khó khăn, thiếu thốn mà các gia đình có nạn nhân da cam đang phải gánh chịu thì sự quan tâm, hỗ trợ trên chưa nhiều, nên vẫn cần hơn nữa vòng tay nhân ái của cộng đồng xã hội để tiếp tục góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc