Người dân xã Khuê Ngọc Điền: Khắc khoải chờ mong điện, nước
Nằm cách thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) chỉ hơn 1 cây số, nhưng gần 20 năm nay, các hộ dân ở xã Khuê Ngọc Điền vẫn phải sống thấp thỏm với đường điện tạm bợ, mất an toàn và nguồn nước nhiễm phèn nặng.
Mặc dù được lọc qua bể cát, nhưng nguồn nước vẫn đục ngầu. |
Thôn 6 có 120 hộ, 555 nhân khẩu, chủ yếu người dân các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng vào định cư từ năm 1955. Được biết, để có điện, từ năm 1997 đến nay những hộ dân ở khu vực cuối thôn tự đóng góp tiền bạc để mua sắm đường dây đấu nối với đường điện ở khu vực đầu thôn, còn trụ điện được dựng tạm bằng cây rừng. Theo quan sát thực tế cho thấy, tất cả đường dây rất tạm bợ, nếu gặp gió lớn hoặc mưa lâu ngày có thể đổ bất cứ lúc nào, không bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, hệ thống dây điện được đấu nối, kéo chằng chịt trên các trụ, nằm sát với nhà dân, bắt qua nhiều cây lớn ven đường, thậm chí có nhiều vị trí đường dây chỉ cao khoảng 1 mét ngang vai người lớn, tiềm ẩn nguy cơ điện giật rất cao. Ngoài nguy cơ mất an toàn khi sử dụng, các hộ dân ở đây hằng năm còn phải trả giá điện cao hơn các khu dân cư khác do tổn hao trên đường dây. Theo ông Nguyễn Văn Hải, trưởng thôn 6, mỗi tháng các hộ phải trả thêm từ 15.000 đến 20.000 đồng do thất thoát điện, trung bình mỗi năm xấp xỉ 200.000 đồng. Cũng theo tính toán của các hộ: với con số phải trả thêm đó nếu nhân lên 16 năm thì không phải là số nhỏ; trong khi nguồn điện sử dụng rất chập chờn, lúc có lúc không. Ông Nguyễn Hùng, người dân trong thôn bức xúc: vào mùa khô, khi nhu cầu dùng điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao thì việc nấu cơm bằng nồi điện rất khó khăn, lúc chín lúc không, phải chuyển sang nấu bằng bếp củi. Hơn thế, khi nguồn điện quá tải, nhiều đồ dùng bằng điện trong nhà cũng bị chập, cháy; tình trạng mất điện liên tục xảy ra làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân.
Đường dây điện sà xuống chỉ ngang đầu người. |
Không những phải chịu cảnh thiếu điện, các hộ dân ở đây hàng ngày còn phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Toàn bộ dụng cụ chứa nước như chậu rửa, xoong, nồi đều ngả sang màu vàng, áo quần màu trắng sau khi giặt nước giếng đều bị ố màu. Cực hơn là mỗi khi đến mùa khô, nguồn nước bắt đầu cạn kiệt thì phải xoay đủ kiểu để có nước sinh hoạt. Anh Trần Văn Hoàng, người thôn 6 cho biết, nhà anh đào đến 4 cái giếng, nhưng mùa khô vẫn phải mua nước đóng bình và các thùng phuy để dự trữ nước uống hoặc nấu ăn, còn việc tắm giặt phải dùng nước giếng. Với 4 cái giếng, nhưng cứ đến mùa khô gia đình anh phải đắn đo, chắt chiu từng giọt nước và chi thêm khoảng 200 ngàn tiền mua nước sạch sinh hoạt. Ngược lại, mùa mưa các giếng đều đầy nước, nhưng đục ngầu, mùi tanh nồng nên các hộ dân phải hứng nước mưa hoặc lấy cát về lọc nước mới dùng được. Hầu hết người dân tỏ ra nghi ngại, cảm thấy không yên tâm khi sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhưng vì trên địa bàn xã chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nên đành phải… sống chung với nước bẩn.
Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền cho hay: hầu hết các thôn trên địa bàn xã nguồn nước đều bị nhiễm phèn, nhưng 4 thôn gồm thôn 3, 4, 6 và 10 bị nhiễm nặng nhất. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên sớm có hướng giải quyết để bà con được dùng nguồn điện an toàn và nguồn nước sạch hợp vệ sinh, nhưng mới chỉ thấy cơ quan chức năng đến khảo sát tình hình, còn thực tế chưa thấy triển khai gì. Do đó, trước mắt, địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên cắt tỉa cành cây, thay các trụ điện bị mục để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy do tình trạng chập, cháy đường dây điện. Còn về nguồn nước sạch thì không biết khuyến cáo bà con khắc phục như thế nào; đành phải… chờ thôi!
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc