HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Son sắt một niềm tin
Già làng A Vít (thứ năm từ trái sang) tiếp khách đến tham gia Lễ hội cúng mùa được tổ chức đầu năm 2014. |
Còn cụ Y DLưm ở buôn M’Liêng - huyện Lak thì bảo: “mình già rồi, cái chân không đi được nhiều để vận động bà con làm nhiều việc tốt như lời Bác dạy. Nhưng bù lại cái đầu của mình còn nhớ, còn biết quan tâm đến đời sống của con cháu nên phải gắng sức làm việc gì đó có ích cho bà con, chính quyền”. Hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, già Y DLưm đã âm thầm gom góp những hiểu biết về Bác Hồ rồi tự đặt lời hát (dưới thể thức dân ca truyền thống của dân tộc mình) để ca ngợi công ơn trời biển của Người, góp phần tuyên truyền, giáo dục con cháu hiểu và làm theo lời Bác. Bài hát “Ca ngợi Bác Hồ” do già Y DLưm sáng tác và tự biểu diễn trong những dịp hội hè, hội diễn văn nghệ quần chúng được nhiều người, nhất là lớp trẻ hưởng ứng và đón nhận nồng nhiệt; được ngành văn hóa huyện Lak chọn tham gia và đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn hát ru và dân ca toàn tỉnh vào những năm 2009-2010. Già Y DLưm tâm sự: dù chưa một lần được gặp Bác, nhưng tình cảm sâu sắc đối với vị lãnh tụ kính yêu đã thôi thúc ông sáng tác và biểu diễn thành công bài hát trên. Bài hát mộc mạc, chân chất ấy là cả tấm lòng của già, của bà con ở đây gửi gắm tình cảm và niềm tin của mình đến với Đảng, Cách mạng và Bác Hồ.
Với già AVít thì niềm tin vào Đảng, Bác Hồ chính là sức mạnh tinh thần giúp ông cùng bà con buôn làng Kon Hring (xã Ea Đing-Cư M’gar) vượt qua bao thử thách, gian truân để xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc như hôm nay. Già kể: số phận của cái buôn này đã có nhiều lúc rơi vào cảnh “cá chậu, chim lồng”, khiến ý chí tự lực, tự cường của người dân giảm sút, thậm chí buông xuôi. Chỉ trong một đêm vào cuối năm 1972, ngôi làng nhỏ bé Kon Hring nằm bên bìa rừng (quận Dak Tô cũ) đã bị đổ nát vì bom đạn của kẻ thù. Hàng trăm con người, già trẻ, lớn bé đều bị “bóc tách” khỏi vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Kom Tum, dồn đẩy sang sống tập trung trong những khu quân sự ở Phước An, Buôn Ma Thuột. Trong hoàn cảnh ấy, già AVít luôn động viên bà con bất hợp tác với địch, giữ vững khí tiết và tin vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày Buôn Ma Thuột giải phóng (10-3-1975) cũng là ngày già AVít cùng một số người nữa trở về buôn cũ tìm lại những thứ đã cất giấu (rìu, rựa, chiêng ché và cả tấm ảnh Bác Hồ nữa) để xây dựng lại cuộc sống mới trên quê hương mới dưới chân núi Cư Dlei Mnông. Niềm tin vào Cách mạng và Bác Hồ lại một lần nữa giúp người dân Kon Hring vượt qua khó khăn từ những ngày đầu giải phóng để làm nên những vườn rẫy cà phê, cao su trù phú như ngày nay. Hơn 170 hộ dân đã đoàn kết, gắn bó dưới sự dẫn dắt của trưởng buôn AVít, từng ngày vươn lên trở thành một trong ba buôn đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu buôn văn hóa cấp huyện từ năm 2001. Đến khi tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền địa phương tổ chức cho toàn dân học tập và làm theo, thì những người như già AVít, dù tuổi đã cao lại ghé vai chung sức cùng buôn làng làm người gương mẫu để con cháu noi theo: chăm chỉ làm ăn và sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng xã hội, không ngừng xây dựng buôn Kon Hring thật sự giàu đẹp và no ấm.
Những tình cảm, việc làm đầy ý nghĩa như thế của bao người như già Y Thơn Niê, cụ Y DLưm, già AVít và nhiều người khác nữa… đều bắt đầu từ sức lan tỏa sâu rộng của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- Người mà họ suốt đời ngưỡng vọng và tin yêu vô hạn. Và cũng từ niềm tin yêu ấy, người dân Tây Nguyên tiếp tục cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” như Bác hằng mong muốn.
Phương Bối
Ý kiến bạn đọc