Biện pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm: "Chống" phải đi đôi với "phòng"
Dịch cúm gia cầm H5N1 trong nước đang bùng phát mạnh với 67 ổ dịch ở 21 tỉnh, trong đó Dak Lak đã có 7 huyện, thành phố có dịch, với 8 ổ dịch, trên 10.000 con gia cầm bị tiêu hủy. Theo Chi cục Thú y, bệnh cúm gia cầm (H5N1) thể độc lực cao là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm với đàn gia cầm (gà và vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu, chim cút) và đặc biệt nguy hiểm hơn vì A/H5N1 có thể lây sang người.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sang diện rộng, thời gian qua Dak Lak đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch để chủ động dập tắt các ổ dịch hiện nay, hạn chế tới mức thấp nhất các ổ dịch phát sinh ở các địa phương khác, bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định sản xuất. Theo đó, Sở NN-PTNT đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao. Chỉ đạo hệ thống thú y địa phương phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể… tăng cường công tác giám sát đến tận trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý tốt đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết do nghi cúm gia cầm để xử lý kịp thời. Riêng các địa bàn có ổ dịch cúm, Chi cục Thú y đã phối hợp với các trạm thú y, chính quyền địa phương tổ chức quản lý chặt các ổ dịch, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch; đồng thời thực hiện thống kê đàn gia cầm toàn thôn, xã và yêu cầu người dân tiêm phòng bổ sung những đàn gia cầm hết miễn dịch, đàn nuôi mới trên các địa bàn…
Các địa phương cần kiểm soát, thống kê đàn vịt chạy đồng để chủ động giám sát dịch bệnh |
Dịch cúm gia cầm hoàn toàn có thể kiểm soát được, bảo vệ đàn gia cầm sinh trưởng và phát triển bình thường nếu bà con chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống. Cũng đã đến lúc người tiêu dùng cần tạo cho mình thói quen sử dụng sản phẩm gia cầm đã qua kiểm dịch để góp phần ngăn ngừa dịch cúm xảy ra.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc