Multimedia Đọc Báo in

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải cơ sở

15:47, 02/03/2014

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải cơ sở.

Nghị định nêu rõ việc khuyến khích cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở;  theo đó, cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở được Nhà nước hỗ trợ tài liệu, được phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; được khen thưởng khi tham gia tích cực hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định.

1
Một buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật của hòa giải viên ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa

Phạm vi hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, bao gồm: mâu thuẫn giữa các bên; tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình; vi phạm pháp luật hình sự (đối với các trường hợp: không bị khởi tố vụ án theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật …)

Nghị định cũng quy định những trường hợp sau không được hòa giải, bao gồm: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp đã được quy định; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp đã được quy định; hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành; hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ chi phí cần thiết, hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút; thu nhập thực tế của hòa giải viên bị mất hoặc giảm sút…Gia đình của hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ một lần bằng tiền để chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc hòa giải viên trước khi chết; người tổ chức mai táng được hỗ trợ chi phí cho việc mai táng…

Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Trong đó: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương; biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện; hướng dẫn cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp...

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-4-2014.

N.X (nguồn chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.