Multimedia Đọc Báo in

Luân chuyển công chức chuyên trách cấp xã: Cần thận trọng không máy móc, rập khuôn

08:12, 10/04/2014
Ngày 27-10-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2007/NĐ-CP về luân chuyển vị trí công tác đối với một số cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhạy cảm có thể xảy ra tiêu cực.
 
Đến ngày  1-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP. Đây là bước đi quan trọng tiến đến chuyên nghiệp hóa đội ngũ CBCC, lành mạnh hóa nền hành chính, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng nên được đông đảo người dân quan tâm, chờ đợi kết quả. Qua gần 7 năm triển khai, chủ trương trên đã mang lại một số kết quả rất đáng ghi nhận như bảo đảm sự công tâm, khoa học khách quan, không gây mất đoàn kết nội bộ và không xáo trộn tổ chức; chủ động ngăn chặn, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CBCC, phục vụ tốt hơn nhu cầu giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện chủ trương trên cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế. Một số địa phương, đơn vị quá rập khuôn, máy móc, tiến hành luân chuyển cán bộ không theo lộ trình, luân chuyển ồ ạt làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị không đủ biên chế và một số vị trí lại thuộc trường hợp đặc biệt (theo khoản 1 Điều 11 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP) nên không thực hiện được việc luân chuyển hoặc luân chuyển không hợp lý. Dưới góc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những vướng mắc, bất hợp lý trong việc thực hiện luân chuyển công chức chuyên trách ở cấp xã.

Thực tế ở một số địa phương cấp huyện đã thực hiện luân chuyển các vị trí công chức chuyên trách cấp xã như kế toán, địa chính, tư pháp-hộ tịch từ xã này sang xã một cách rập khuôn, máy móc dẫn đến xáo trộn tổ chức, ảnh hưởng quyền, lợi ích của người dân. Ở cấp xã điều kiện để thực hiện việc quản lý, điều hành tốt nhất là phải gần dân, sát dân mới nắm bắt được địa bàn quản lý. Chẳng hạn, công chức địa chính xã muốn làm tốt công việc thì trước hết phải theo dõi, nắm bắt được bản đồ địa chính, vị trí địa lý của địa bàn. Việc này không thể tiến hành ngày một ngày hai mà phải qua thời gian công tác lâu dài, có tích lũy kinh nghiệm, có theo dõi thường xuyên, liên tục... Nếu tiến hành luân chuyển một công chức ở xã khác đến thì ít nhất sau 6 tháng, thậm chí lâu hơn người này mới nắm hết hồ sơ địa chính, nhưng vẫn không thể bảo đảm chính xác như cán bộ địa chính cũ được bởi vì, việc thực hiện lập hồ sơ, giấy tờ... liên quan đến các thửa đất, giải quyết tranh chấp đất đai ở địa bàn quản lý không thể chắc chắn và chính xác được do không nắm được lịch sử, nguồn gốc của mảnh đất đó...

Hơn nữa, việc luân chuyển công chức chuyên trách cấp xã sẽ ảnh hưởng  rất lớn đến đời sống, công tác, sinh hoạt của những cán bộ này. Hiện nay, phần lớn công chức chuyên trách cấp xã là người của địa phương, ở xã nào thì làm việc ở xã đó trong khi mức lương của công chức chuyên trách cấp xã còn rất thấp, thậm chí có thể nói là không thể đủ sống nếu không làm thêm nghề phụ hoặc công việc đồng áng, kinh tế hộ gia đình. Do vậy, một khi thực hiện luân chuyển thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình do phải đi làm xa, không có điều kiện giúp đỡ gia đình, lại thêm chi phí tiền xăng xe, đi lại tốn kém, nhất là các huyện có địa bàn rộng đi lại khó khăn như các tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách cấp xã là người địa phương sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc giải quyết công việc cho người dân, nhất là  vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vì khi công tác ở các vùng này, ngoài việc phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, CBCC còn phải là những người am hiểu phong tục, tập quán, đặc biệt là nói được ngôn ngữ địa phương mới có thể làm việc hiệu quả được.

Từ những bất hợp lý trên, đề nghị cơ quan có thẩm quyền, nhất là chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, xem xét một cách thận trọng, khoa học trước khi tiến hành luân chuyển đội ngũ công chức chuyên trách ở cấp xã nhằm bảo đảm việc luân chuyển phát huy được các mặt tích cực như ngăn ngừa được tiêu cực, tham nhũng vừa bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích của công dân, tổ chức.

Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.