Multimedia Đọc Báo in

Phía sau công nghệ... làm đẹp: Kỳ I: Làm đẹp cũng lắm gian truân

15:32, 18/04/2014

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Có cung thì có cầu, loại hình dịch vụ thẩm mỹ đã ra đời và ngày càng phát triển. Xung quanh câu chuyện làm đẹp cũng còn nhiều điều phải trăn trở, giải mã…

Không phải nói để… dọa những người đang có ý định đi làm đẹp, nhưng hầu hết những ai đã ít nhiều kinh qua một số dịch vụ của loại hình thẩm mỹ đều phải thừa nhận: muốn đẹp cũng phải chịu khó đầu tư, chịu khó kiên nhẫn và phải biết chịu đau…

Hơn 15 năm gắn bó với nghề may, trước xu hướng thời trang mới, gần đây, chị P. chủ tiệm may N.P trên đường Giải Phóng, TP. Buôn Ma Thuột cũng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo để may các loại váy dạ hội, váy công sở. Do tính chất công việc thường xuyên phải tiếp cận với khách hàng, phần đa là phụ nữ, chị P. cũng muốn sửa soạn để tự tin hơn khi giao dịch với khách. Nhưng đơn đặt hàng ngày một nhiều lại cộng thêm việc nhà cửa, chăm sóc con cái, chị P. không có nhiều thời gian để dành cho việc làm đẹp. Mới đây, chị quyết định đi xăm môi để đỡ mất thời gian trang điểm, bởi chị quan niệm mình có làn da trắng, chỉ cần thêm bờ môi cong, đỏ thắm nữa thì dù có không trang điểm nhìn cũng không đến nỗi nào. Chẳng biết do tính chị nhát gan, sợ đau hay sao mà theo như chị P. kể thì lúc xăm môi còn đau hơn… đau đẻ! Sau khi xăm phải mất vài ba hôm chị ăn, ngủ không ngon vì môi sưng tấy và đau rát. Đến giờ đường xăm trên môi đã đến lúc đòi xăm lại nhưng nghĩ đến đau chị lại chưa dám đi làm.

Để có được chiếc mũi “chuẩn”, nhiều chị em đã phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật nâng mũi được thực hiện tại Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Thanh Ngân, TP. Buôn Ma Thuột)
Để có được chiếc mũi “chuẩn”, nhiều chị em đã phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật nâng mũi được thực hiện tại Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Thanh Ngân, TP. Buôn Ma Thuột)
Với chị T., một viên chức ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột thì chiếc mũi tẹt cộng với cánh mũi to là những nhược điểm trên gương mặt khiến chị luôn thấy tự ti. Cách đây không lâu, được bạn bè rỉ tai cách làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ, chị đã tìm đến một phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ “có tiếng” trong thành phố với mong muốn có được khuôn mặt ưa nhìn hơn. Sau khi được bác sĩ tư vấn, đặt lịch, ít ngày sau đó chị quay lại để thực hiện phẫu thuật nâng mũi. Trở về sau ca phẫu thuật với chiếc mũi được nẹp cố định và lời dặn kiêng ăn hải sản, thức ăn từ gạo nếp, thịt bò kèm theo vận động nhẹ nhàng, thế nhưng do thấy mũi sưng tấy trong những ngày đầu sau phẫu thuật, chị đã tự vệ sinh, chăm sóc quanh vùng mũi quá kỹ, cộng với việc thường xuyên vận động mạnh khiến cho chiếc mũi mới nâng bị lệch. Chị vội vàng tìm đến bác sĩ để cầu cứu. Lại một cuộc phẫu thuật tháo gỡ miếng sụn (silicone dạng đúc khuôn) diễn ra sau đó. Vậy là chiếc mũi của chị lại trở về hình dạng ban đầu. Một thời gian sau, khi vết thương trên mũi đã lành, chị T., tiếp tục tìm đến vị bác sĩ nọ để nâng mũi lần 2. Có lẽ, đã đúc rút được kinh nghiệm từ lần thất bại trước, nên sau khi phẫu thuật đặt sụn mới chị kiêng khem rất kỹ cho đến khi vết thương lành hẳn. Giờ đây, sở hữu chiếc mũi “Hàn Quốc” trên gương mặt, chị luôn thấy tự tin khi đứng trước mọi người. Song, mỗi khi nhớ lại “chiến dịch” làm đẹp của mình, chị chia sẻ: “Trước khi phẫu thuật được uống thuốc giảm đau và tiêm thuốc gây tê nên khi bác sĩ thực hiện đưa sụn vào mũi tôi không có cảm giác đau đớn là mấy. Thế nhưng, khi hết thuốc tê thì vết thương đau… thấu trời. Cứ nghĩ, bình thường mình đứt tay một tí đã thấy đau thế nào, huống hồ đây là một ca phẫu thuật đưa vật lạ vào cơ thể. Bây giờ, nếu thực hiện một phẫu thuật thẩm mỹ nào khác, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là mức độ về sức chịu đựng của mình…”. 

Cũng giống như những trường hợp trên, chị L. ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột luôn phiền lòng về da mặt của mình, tuy không đen và bị mụn nhưng lỗ chân lông rất to, về lâu dài, da lão hóa thì vùng da mặt của chị sẽ có nguy cơ bị rỗ. Được nghe giới thiệu về những công nghệ làm đẹp da mặt từ bạn bè, sẵn có điều kiện về kinh tế, chị L. quyết định đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Thánh Tông để cải thiện làn da. Sau khi được “chuyên gia” của cơ sở này tư vấn, chị L. chọn phương pháp cấy tế bào gốc để tái tạo da, làm se khít lỗ chân lông với liệu trình điều trị kéo dài khoảng 2 tháng, tổng chi phí gần 14 triệu đồng. Từ khi bắt tay vào điều trị, đều đặn mỗi tuần chị L. phải đến thẩm mỹ viện 1 lần để cấy tế bào gốc. Còn hàng ngày, dù bận rộn đến không kịp ăn nhưng chị vẫn phải dành thời gian hàng tiếng đồng hồ cho việc sức thuốc, mỹ phẩm để bảo vệ, nuôi dưỡng da và bôi kem chống nắng mỗi khi ra đường…

Rõ ràng, có muôn vàn lý do để chị em quyết định đi làm đẹp, có thể do đời sống vật chất được cải thiện, có điều kiện chăm sóc sắc đẹp; do quan hệ công việc phải giao dịch, tiếp khách, gặp gỡ khách hàng; hay do bản thân muốn đẹp hơn trong mắt mọi người... Dẫu biết rằng, không phải người phụ nữ nào sinh ra cũng hoàn mỹ nên nhu cầu làm đẹp của chị em cũng là một nhu cầu chính đáng, nhất là trong bối cảnh ngày nay hình thức luôn được ưu ái, sắc đẹp góp phần quyết định sự thành công. Cho nên thẩm mỹ là một trong những giải pháp có thể giúp con người ta khắc phục những khiếm khuyết trên cơ thể, để đẹp hơn, tự tin hơn, lấy được cảm tình của mọi người nhiều hơn. Thế nhưng, có phải cứ đến thẩm mỹ viện làm đẹp là… sẽ đẹp hơn không?

Kim Oanh – Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc