Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Bằng cả trách nhiệm và tình yêu thương

17:32, 30/05/2014

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 (từ 1 đến 30-6), phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUANG TRƯỜNG,  Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xung quanh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Ông có thể khái quát về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh ta đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 111/184 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Mô hình phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng được triển khai tại 13 xã, phường, thị trấn và 10 trường THCS trong toàn tỉnh. Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cũng được triển khai sâu rộng, toàn tỉnh có 940 trường học được công nhận “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; 407 trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em ở cấp tiểu học. Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư và giúp đỡ trẻ em trong các gia đình nghèo, khó khăn nhằm hạn chế phát sinh tội phạm; tăng cường hoạt động truyền thông phòng chống bạo lực gia đình và tư vấn, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; khám chữa bệnh miễn phí và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Những trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc hóa học đã được hưởng trợ cấp xã hội hoặc nuôi dưỡng tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội. Bình quân mỗi năm có hàng trăm em bị khuyết tật vận động, mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí. Vào dịp lễ, tết, nghỉ hè, các em đều được tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, được thăm hỏi, tặng quà…

Thời gian gần đây, các vụ trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bị tai nạn thương tích... ngày càng nhiều. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là số vụ trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích ngày càng tăng, có tính chất nghiêm trọng. Cụ thể, trong năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 86 vụ xâm hại trẻ em, tăng 5 vụ so với năm 2012; 862 trường hợp trẻ em và trẻ vị thành niên bị tai nạn thương tích, (tăng 3 trường hợp so với năm 2012), trong đó có 69 trẻ em tử vong. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Với địa bàn rộng, có nhiều ao, hồ, sông, suối như tỉnh ta nhưng việc quan tâm đầu tư xây dựng, lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm chưa được chú ý. Công tác truyền thông tuy đã được triển khai song hiệu quả chưa cao do mức độ, tần suất tuyên truyền còn ít. Đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân số đã được bổ sung theo Nghị quyết 105/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh (gồm 2.470 người) nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, tham vấn, tư vấn, hỗ trợ trẻ em cho đội ngũ này nên chưa phát huy hết hiệu quả. Không những vậy, ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương hầu như bỏ ngỏ hoặc phó mặc công tác trẻ em cho ngành LĐTBXH, việc nắm bắt tình hình trẻ em còn sơ sài, mang tính đối phó. Thêm vào đó, nhiều gia đình chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà ít quan tâm, chăm sóc, dạy bảo con em mình, thậm chí “khoán trắng” cho nhà trường.

Đại diện Sở LĐTBXH thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em bị tai nạn thương tích.
Đại diện Sở LĐTBXH thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em bị tai nạn thương tích.

Với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2014,  ngành LĐTBXH sẽ tập trung vào những hoạt động gì?

- Ngành sẽ chú trọng tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản, chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn, các diễn đàn, tư vấn cộng đồng... để cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và cho chính trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, mô hình trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi bạo lực, ngược đãi trẻ em. Phối hợp với ngành chức năng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho trẻ em, nhất là kỳ nghỉ hè và dịp Tết thiếu nhi 1-6. Đồng thời, đề nghị các huyện ký cam kết với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn phải xây dựng hệ thống rào chắn, biển báo nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ. Tập trung huy động các nguồn lực, vận động kinh phí đầu tư xây dựng các công trình vui chơi, giải trí, xã hội hóa công tác dạy bơi và tổ chức các hoạt động tặng quà, học bổng, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật và bị bệnh hiểm nghèo… Tuy nhiên, để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội bằng cả tình thương và trách nhiệm để các em có cơ hội được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.