Multimedia Đọc Báo in

Rộng cửa cho các đối tượng học - sát hạch mô tô hạng A2

08:03, 20/05/2014

Từ ngày 1-3-2014, việc học và sát hạch lái xe hạng A2  (dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên) sẽ được mở rộng với tất cả đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên, thay vì trước đó chỉ hạn chế cho một số đối tượng… 

Trước đây, theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Thông tư 46/2012/TT-BGTVT, ngày 7-11-2012: GPLX hạng A2 chỉ cấp hạn chế cho những người công tác tại các ngành công an, quân đội, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, kiểm lâm, sát hạch viên, vận động viên môtô. Việc hạn chế đối tượng như vậy đã dẫn đến tình trạng một số người dân có tiền mua xe phân khối lớn nhưng không dám lưu thông trên đường hoặc phải chọn những giờ vắng bóng lực lượng chức năng để chạy… “chui”. Trong khi đó, theo quy định hiện hành lại không ràng buộc điều kiện, đối tượng được mua và đăng ký xe phân khối lớn. Nhằm khắc phục tình trạng này, Thông tư 38/2013/TT-BGTVT, ngày 24-10-2013 tại điểm 1, Điều 2 đã quy định bãi bỏ một số điều, khoản, phụ lục của Thông tư 46 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, trong đó bãi bỏ khoản 3, Điều 8 của Thông tư 46.

Thí sinh thi thực hành lái xe hạng A2 tại Trung tâm sát hạch  lái xe cơ giới đường bộ Việt Mỹ.
Thí sinh thi thực hành lái xe hạng A2 tại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Việt Mỹ.

Tại Dak Lak, trong những năm qua, phong trào chơi xe phân khối lớn phát triển nhanh, đến nay xuất hiện một số câu lạc bộ (CLB) mô tô, xe máy: CLB mô tô Honda 67, Vespa cổ, mô tô thể thao Dak Lak, Exciter Dak Lak. Ngoài mục đích tạo niềm vui sau thời gian làm việc, các CLB mô tô còn là nơi để những “tín đồ” đam mê dòng xe phân khối lớn gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng xe, lái xe an toàn, thực hiện đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Căn cứ Thông tư 38 và hướng dẫn của Tổng cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT đã có văn bản đồng ý cho 2 cơ sở trên địa bàn tỉnh được phép đào tạo, tổ chức sát hạch GPLX hạng A2, gồm Trường Trung cấp Nghề Việt Mỹ và Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột) do có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy, sát hạch. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Hiệu trường Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ cho biết, để đáp ứng việc học và sát hạch GPLX hạng này, trường đã đầu tư mua 4 xe loại 250 cm3, 1 sân tập lái, lưu lượng đào tạo hiện tại 120 học viên/tháng. Đến cuối tháng 4-2014, Trường đã có trên 200 học viên đăng ký tham gia học lấy GPLX hạng A2, dự đoán trong những tháng tới số lượng học viên đăng ký sẽ tăng lên nhiều so với ban đầu.

Chương trình đào tạo mô tô hạng A2 được chia thành 2 phần, gồm 20 giờ học lý thuyết về Luật Giao thông đường bộ và kỹ thuật lái xe, 12 giờ để các học viên thực hành; khi thi các học viên thực hiện đúng 18/20 câu hỏi là đạt về lý thuyết. Được biết, vào ngày 27-4, tại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Việt Mỹ đã tổ chức khóa sát hạch GPLX hạng A2 đầu tiên cho 45 học viên, kết quả có 40 người được Sở GTVT cấp GPLX. Anh Y Tru Alio (TP.Buôn Ma Thuột) cho hay, đi mô tô phân khối lớn là niềm đam mê từ lâu của anh, với loại xe này anh cảm thấy mình được phóng khoáng, thoải mái hơn. Dự định sau khi nhận GPLX hạng A2, anh sẽ sắm cho mình một mô tô loại 1.200 cm3 để đi du lịch những tỉnh, thành trong nước. Còn anh Ngô Văn Quang (TP.Buôn Ma Thuột) phấn khởi nói: cách đây 10 năm anh có mua xe loại 250 cm3, nhưng không dám chạy do chưa có bằng. Nay được sở hữu tấm bằng loại này, anh sẽ có cơ hội đi gặp gỡ bạn bè ở xa bằng chiếc xe phân khối lớn và thỏa niềm đam mê thể thao của mình.

Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng vận tải (Sở GTVT) cho biết, Thông tư 38 là điểm mới mở ra cơ hội học và lấy GPLX hạng A2 đối với mọi người, đặc biệt đối với những người mê xe phân khối lớn. Tuy nhiên, để hạn chế việc đào tạo tràn lan, kém chất lượng, trước mắt Sở chỉ đồng ý cho 2 cơ sở trên được phép đào tạo và tổ chức sát hạch GPLX hạng này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.