Xúc cảm ngày hội ngộ
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa giờ người còn, người mất. Trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh, số phận, nhưng trong buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bao nhiêu cảm xúc như vỡ òa khi được cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng của đất nước mà họ là những người trực tiếp tham gia.
Trong không khí những ngày cuối tháng 4, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tổ chức gặp mặt 265 cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những cái bắt tay, ôm nhau thật chặt khiến cả hội trường xôn xao, náo nhiệt. 60 năm đã qua, những người lính Điện Biên năm xưa nay tóc đã bạc màu, sức khỏe đã giảm sút, đôi mắt không còn tinh anh, nhưng những ký ức về quãng thời gian tham gia chiến dịch vẫn như chưa hề phai nhạt. Trên ngực áo những người lính già là những tấm huân, huy chương, huy hiệu được nâng niu, gìn giữ như những kỷ vật thiêng liêng để ghi nhớ về một thời hào hùng không thể nào quên. Ngày gặp mặt, ai nấy đều rạng ngời hạnh phúc, tự hào, gác bỏ bao lo toan của cuộc sống đời thường, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa nơi chiến trường đánh giặc cứu nước…., và thật trân trọng hơn khi có những người lính dù sức khỏe đã yếu, đi lại khó khăn nhưng vẫn háo hức đến tham dự ngày gặp mặt.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm tặng quà những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Từng là chiến sĩ trẻ nhất của Tiểu đội 9, Đại đội 19, Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57 trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên, cựu chiến binh Đinh Quang Đá (huyện Krông Năng) vẫn còn nhớ như in những trận đánh tiêu diệt cứ điểm Hồng Cúm, rồi kiềm chế pháo binh địch, khống chế sân bay, chặn đứng các mũi tấn công, thăm dò của quân địch; và cả những đêm đào giao thông hào cắt đôi sân bay Hồng Cúm khiến máy bay địch không thể hạ mà phải thả dù tiếp tế... Ông Đá tâm sự: trong thời gian tham gia quân ngũ, với ông, trận đánh giải phóng Điện Biên là một kỷ niệm khó quên, bởi chiến dịch này ông đã cùng đồng đội truy lùng và bắt rất nhiều tù binh…
Năm 1953, ông Nguyễn Hồng Sơn (thị xã Buôn Hồ) được điều động về giữ chức vụ Trung đội phó Trung đội 1, Đại đội 383, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 367 (thuộc Binh chủng phòng không), trực tiếp tham gia chiến đấu ở Điện Biên. Kỷ niệm ông còn nhớ mãi là lần tấn công đợt 2 vào phân khu trung tâm của cứ điểm Him lam, Độc lập và Bản kéo. Khi đồng chí Trung đội trưởng đứng giữa trận địa vừa phất cờ hạ lệnh bắn thì bị một mảnh đạn của địch cắt ngang đùi làm đứt chân trái, ông đã lên chỉ huy thay và liên tục hét khẩu lệnh: "Không sợ chết, nhằm thẳng máy bay địch, bắn"... Kết thúc chiến dịch, Đại đội của ông đã bắn rơi và làm bị thương 8 máy bay địch. Đến bây giờ, dù cuộc chiến đã lùi xa, nhưng mỗi diễn biến trong từng trận đánh vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí ông. Đó không chỉ là những trận đánh ác liệt mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó vượt qua mọi hy sinh gian khổ, quyết tâm chiến đấu giành độc lập của cán bộ, chiến sĩ ta. Và hình ảnh người Trung đội trưởng hy sinh trong trận đánh năm ấy như vẫn còn làm ông nghẹn ngào mỗi khi nhớ lại.
Quả thật, mỗi câu chuyện, kỷ niệm được những người lính Điện Biên năm xưa chia sẻ trong ngày hội ngộ tưởng chừng không bao giờ dứt, bởi bao nhiêu cảm xúc chợt ùa về trong tâm trí họ. Gian khổ, khó khăn, nguy hiểm cận kề, nhưng chẳng ai lùi bước, nản chí, bởi một lẽ đơn giản: Họ là người lính cụ Hồ. Trong cuộc sống hòa bình hôm nay, tuy mỗi người một cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau, nhưng sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của họ và các anh hùng liệt sĩ sẽ còn mãi vang danh, là tấm gương sáng giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc