Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung khi thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện các chính sách BHXH cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải khắc phục, sửa đổi, bổ sung để chính sách BHXH ngày càng hoàn chỉnh, bảo đảm quyền lợi của người lao động và thân nhân của họ, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của địa phương nói riêng.
Đối với công tác trích nộp BHXH thì quy định như hiện nay, chủ sử dụng lao động được giữ lại 2% quỹ BHXH để giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động là không phù hợp. Theo lý thuyết, chủ sử dụng lao động giữ lại khoản kinh phí này để giải quyết kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động; tuy nhiên, trong thực tế hầu hết các đơn vị trên địa bàn tỉnh số kinh phí này không bao giờ đủ chi, hơn nữa, cán bộ thực hiện công tác BHXH ở các đơn vị cũng chưa nắm rõ về chế độ BHXH nên không mạnh dạn giải quyết và chi trả sớm các chế độ ngắn hạn, vì thế các đơn vị thường chi cho người lao động theo hằng quý sau khi đã thực hiện quyết toán và được cơ quan BHXH cấp bù, người lao động không được giải quyết chế độ kịp thời, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt sau khi các khoản thu nhập từ lương bị giảm sút. Mặt khác, việc giữ lại khoản kinh phí này gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị trong công tác hạch toán, đối chiếu và quyết toán với cơ quan BHXH nên không được các đơn vị đồng tình ủng hộ.
Trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe (DSPHSK) hiện nay thực sự chỉ là chế độ nối dài của trợ cấp thai sản. Trong hơn 6 năm qua, ở Dak Lak rất hiếm trường hợp ốm đau, tai nạn lao động đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp DSPHSK, cũng không có trường hợp nào nghỉ DSPHSK tập trung mà tất cả các trường hợp được giải quyết hưởng DSPHSK đều là nghỉ tại chỗ cho các trường hợp sau khi sinh. Chế độ thai sản đã được các cơ quan xây dựng luật nghiên cứu, xây dựng phù hợp với đặc điểm, điều kiện lao động trong điều kiện kinh tế xã hội chung, hơn nữa đối với chế độ thai sản hiện nay đã được nâng lên 6 tháng cho trường hợp nghỉ sinh con hoặc nuôi con nuôi nên không cần phải kéo dài thêm trợ cấp DSPHSK, gây bất bình đẳng với các chế độ BHXH khác.
Chế độ tử tuất cũng cần điều chỉnh theo hướng thân nhân người lao động được quyền lựa chọn giữa trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp tuất một lần. Thực tế trong quá trình thực hiện Luật đã có những bất cập, đó là những trường hợp người lao động có thời gian công tác tương đối lâu, mức lương đóng BHXH cao, hoặc người nghỉ hưu bị chết trong những tháng đầu hưởng lương hưu… họ vẫn còn người thân trong độ tuổi hưởng tử tuất hằng tháng theo quy định nên buộc cơ quan BHXH phải giải quyết tuất hằng tháng, số tiền thân nhân của họ hưởng chỉ năm, bảy triệu đồng, thay vì được hưởng hàng trăm triệu đồng nếu là hưởng trợ cấp tuất một lần. Trong thời gian qua đã có các đơn thư khiếu nại về bất cập này, nếu không sửa đổi kịp thời thì thân nhân người lao động sẽ không đặt trọn niềm tin vào chế độ BHXH cũng như chính sách an sinh xã hội; hoặc họ phải “lách luật” bất đắc dĩ để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, gây phức tạp thêm trong công tác giải quyết chính sách.
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chế độ chính sách mang tính nhân văn, rất cần thiết trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên khi áp dụng trong thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập, tình trạng lạm dụng quỹ gia tăng đến mức báo động. Do vậy, chế độ BHTN cần sửa đổi theo hướng siết chặt các điều kiện được hưởng trợ cấp, hạ mức trợ cấp để số tiền thất nghiệp không còn hấp dẫn đối với người lao động để họ cân nhắc khi đề nghị hưởng trợ cấp; trợ cấp thất nghiệp nên chỉ dành cho những công nhân, người lao động bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động ngoài ý muốn, doanh nghiệp phá sản…; đối với những trường hợp tự nguyện xin nghỉ việc thì không giải quyết hưởng trợ cấp.
Về cách tính lương bình quân để tính lương hưu cũng chưa thật sự công bằng. Đối với người tham gia BHXH theo hệ thống thang bảng lương do Nhà nước quy định thì được tính bình quân của 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm trước khi nghỉ việc hưởng BHXH; còn đối với người tham gia BHXH không theo thang bảng lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân bằng cả quá trình tham gia BHXH. Do vậy, người lao động làm việc ở ngoài khu vực Nhà nước thường có mức lương bình quân để hưởng BHXH thấp hơn mặc dù họ có quá trình và mức lương đóng BHXH bằng với người lao động trong khu vực Nhà nước. Việc tính lương bình quân để hưởng các chế độ BHXH cần phải quy định như nhau để mọi người được hưởng công bằng trong quá trình đóng và hưởng BHXH. Về mức hưởng lương hưu hằng tháng, theo quy định hiện hành chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc BHXH; nên cần phải đều chỉnh dực trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH, không phân biệt giới tính trong việc tính tỷ lệ hưởng BHXH.
Xử phạt hành chính đối với việc vi phạm trong lĩnh vực BHXH là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, lãi chậm nộp BHXH nhìn chung thấp hơn nhiều so với lãi vay tại các cơ sở tín dụng, nên nhiều đơn vị cố tình vi phạm, chây ì không thực hiện đóng BHXH, hoặc chỉ đóng đối phó cho có lệ, chưa phản ánh đúng thực chất số lao động cũng như mức lương của người lao động. Do vậy Luật BHXH cần sửa đổi theo hướng nâng cao hình phạt, xem trọng việc truy cứu trách nhiệm hình sự, để từ đó giữ vững kỷ cương, bảo đảm tính nghiêm minh trong việc thực thi các chính sách về BHXH.
Trương Văn Bá
Ý kiến bạn đọc