Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Hiệu quả từ mô hình "Bóng điện an ninh" tại thị trấn Ea Knốp

10:06, 22/07/2014
Mô hình “Bóng điện an ninh” trên những tuyến đường ở thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện, làm đẹp hơn bộ mặt của thôn, xóm  mà còn góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

Thời gian trước đây, tình hình trật tự trị an trên địa bàn thị trấn Ea Knốp diễn biến khá phức tạp, nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên khiến người dân hoang mang, lo lắng, vấn đề an ninh trật tự luôn là tâm điểm trong các cuộc họp ở khu dân cư. Trước tình hình này, cấp ủy chi bộ và ban tự quản các tổ dân phố đã đề ra phương án xây dựng mô hình “bóng điện an ninh” để giảm tình trạng trộm cắp thường xảy ra vào ban đêm. Sau khi thống nhất chủ trương, ban tự quản các tổ dân phố tiến hành họp dân để tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng mô hình tại các cụm dân cư và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Theo ông Nguyễn Văn Nho – Tổ trưởng tổ dân phố 4A: “Để xây dựng mô hình “bóng điện an ninh”, Ban tự quản tổ dân phố chúng tôi đã vận động sự ủng hộ của các mạnh thường quân trên địa bàn, đồng thời huy động mỗi hộ dân đóng góp 505.000 đồng mua trang thiết bị lắp đặt hệ thống điện đường. Đến tháng 8 năm 2013, mô hình “ Bóng điện an ninh”  chính thức được đưa vào sử dụng. Hiện tại, mỗi tháng trung bình một hộ dân  đóng khoảng 20.000 đồng tiền điện để duy trì mô hình và thấy rõ hiệu quả mà nó mang lại. Ban đêm ánh sáng từ “bóng điện an ninh” giúp việc đi lại của người dân thuận lợi; có điện đường sáng nên bà con siêng năng qua lại thăm hỏi lẫn nhau, đặc biệt là nạn trộm cắp trên địa bàn giảm đáng kể. Mới đây khi mưa gió làm 17 bóng đèn hư hỏng, bà con đã tự nguyện đóng góp tiền để thay bóng mới”. 

Hệ thống đèn được lắp đặt tại tổ dân phố 4A.
Hệ thống đèn được lắp đặt tại tổ dân phố 4A.

Ánh sáng đến với từng ngõ nhỏ không chỉ giúp bộ mặt ở tổ, khối thêm phần khang trang, mà qua đó còn từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đến nay, vào ban đêm đường chính và đường phụ đều có điện thắp sáng, người dân không còn e ngại khi ra đường vào buổi tối, nhất là lúc khuya như trước. Ông Nguyễn Văn Diện (Khóm 5, tổ dân phố 4A) chia sẻ: “Mô hình bóng điện an ninh đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho người dân. Lúc đầu khi nghe đến việc đóng góp ai cũng thấy ngại, nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, ban đêm đường sá có điện thắp sáng giúp đi lại thuận tiện, bà con phấn khởi lắm. Bây giờ chúng tôi đã yên tâm rủ nhau đi thể dục, hóng mát vào ban đêm, không sợ cướp giật, trộm cắp nữa”. Với bà Lê Thị Tợ (Khóm 4, tổ dân phố 4A) thì ánh sáng từ bóng điện an ninh còn giúp tiết kiệm điện khi ban đêm gia đình giảm được một bóng điện bảo vệ ngoài hiên. Bà Tợ cho biết: “Trước đây bà con cũng như các cháu học sinh đi làm, đi học về đêm hay bị đám thanh niên hư hỏng chặn đường xin tiền. Từ khi điện đường được thắp sáng, đi ra đường ban đêm chúng tôi thấy yên tâm hơn. Có điện sáng, an ninh trật tự trong tổ, trong khối cũng bảo đảm hơn, nạn trộm cắp vặt giảm hẳn, đặc biệt không còn tình trạng các hộ dân ngoài địa bàn lợi dụng đêm tối chở rác vào xả bừa bãi ở một số đoạn đường trong vùng.

Rõ ràng, sau gần 3 năm triển khai, mô hình “ bóng điện an ninh” không chỉ giúp người dân trên địa bàn chủ động trong bảo vệ an ninh trật tự mà còn mang lại sự văn minh trong khu dân cư. Có thể thấy rõ hiệu quả của mô hình này qua lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Ea Knốp: “Mô hình bóng điện an ninh bắt đầu được triển khai từ năm 2011, do người dân tự đề xuất, đóng góp và thực hiện. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra 16 tổ dân phố trên địa bàn và đã phát huy được hiệu quả tích cực. Nhờ thực hiện mô hình tình hình vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn giảm đáng kể, người dân ít phải lo lắng hơn về tệ nạn trộm cắp, ma túy làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Bên cạnh đó “ bóng điện an ninh” còn góp phần hình thành nên nét văn hóa trong xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.