Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ Internet và trò chơi trực tuyến: Cần được quản lý chặt chẽ hơn

09:48, 21/07/2014

Là phương tiện truyền thông ra đời muộn nhất, nhưng Internet lại có tốc độ phát triển một cách mạnh mẽ và hiện chiếm vị trí hàng đầu trong các phương tiện cung cấp thông tin. Tuy nhiên, Internet cũng là con dao hai lưỡi khi người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, dễ dàng bị lôi cuốn vào các trò chơi trực tuyến, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, học tập…

Những hệ lụy từ trò chơi trực tuyến

Hơn 22 giờ khuya, dọc các quán Internet trên đường Y Wang, Nguyễn An Ninh, Lê Duẩn, Mai Hắc Đế… TP. Buôn Ma Thuột vẫn tấp nập khách vào ra. Các game thủ vẫn đắm chìm trong thế giới ảo: bạn nữ chơi nông trại, nhảy audition, candy Crush Saga, đập búa; bạn nam chơi game mang tính hành động hơn như Võ Thánh Tam Quốc, Cửu Âm Chân Kinh, Chiến tuyến phòng thủ 5… Tiếng gõ bàn phím tạch tạch trong đêm, mỗi lần người chơi chết một mạng (trong thế giới game) hay làm mất vũ khí lại vang lên tiếng chửi thề. Một số game thủ tới muộn không còn máy phải “xếp hàng” ngồi chờ đến lượt. Lê Văn Hiển, một game thủ bộc bạch: trong thế giới game, người chơi có thể kết bạn, xây dựng thành đội, nhóm, bang, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, thậm chí yêu nhau rồi cưới nhau. Nhiều người từ bạn bè trong các trò chơi trở thành bạn thân thiết ngoài đời, bang chủ trong game được kính trọng ngoài đời và thường đứng ra tổ chức các buổi gặp mặt, sự kiện, liên hoan… Tuy nhiên, trong thực tế thì trò chơi này dẫn đến nhiều hệ lụy. Với sự năng động, thích thể hiện mình, giới trẻ rất dễ bị lôi cuốn bởi các trò chơi trực tuyến này. Bà Trần Thị Hồng (đường Y Wang) kể: năm học vừa rồi, cậu quý tử lớp 8 của bà trốn học đi chơi game khiến việc học giảm sút, từ học sinh giỏi xuống loại khá học kỳ I. Gạn hỏi thì bảo bài vở càng lên cao càng nhiều càng khó, không học hết nên bị điểm thấp và cậu còn xin tiền để đi học thêm môn này môn kia kín cả ngày. Thế nhưng, cuối năm học lực lại tụt xuống loại trung bình. Bà tìm gặp riêng cô giáo mới biết con mình thường xuyên cúp học. Từ đầu hè tới nay, bà phải bỏ bê việc buôn bán thuê gia sư để giúp con. Nhưng cấm ở nhà thì cậu con trai lại tìm ra quán Internet; càng làm căng càng khó, bởi máu game đã ăn sâu khiến con bà rất khó tập trung học bài. Không chỉ sao nhãng việc học hành, một số bạn trẻ thậm chí còn phạm pháp để có tiền chơi game như trường hợp của em Nguyễn Đình Sơn và Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1997) cùng trú xã Ea Kpam (Cư M’gar) do nghiện game, không có tiền chơi nên rủ nhau cướp điện thoại của người đi đường và bị công an huyện tạm giữ điều tra cuối tháng 6 vừa qua.

Các game thủ  say sưa với các trò chơi  trực tuyến trong quán Internet.
Các "game thủ" say sưa với các trò chơi trực tuyến trong quán Internet.

Bà Nguyễn Thị Liễu, một game thủ kiêm biên tập viên quảng cáo cho trang web các trò chơi trực tuyến Gosu cho biết, những game thủ thực sự có thể là sinh viên, công chức, viên chức, giáo sư, doanh nhân… họ chơi game để giải trí, kiếm tiền. Những doanh nhân chơi game để tiêu khiển, giải trí và sẵn sàng bỏ ra tiền triệu mua sắm vũ khí, nâng cấp mình lên, còn các game thủ khác thì lấy thời gian chơi nhằm có thêm kinh nghiệm và vũ khí (trong trò chơi), mang bán cho các game thủ khác để lấy tiền mặt.

Chú trọng công tác quản lý

Internet và trò chơi trực tuyến ra đời nhằm mục đích lưu trữ, tìm kiếm thông tin, giải trí… tuy nhiên vì sự hấp dẫn của thế giới game khiến người chơi không kiểm soát được mình. Còn các chủ tiệm vì lợi nhuận trước mắt, để khách hàng chơi trò chơi trực tuyến ngoài giờ quy định (sau 22 giờ), không cài đặt các phầm mềm ngăn chặn các trang web xấu nên người chơi dễ dàng truy cập vào các trang web không lành mạnh; khoảng cách giữa các máy trong phòng máy không đảm bảo ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe của người chơi… Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất 20 điểm truy cập Internet công cộng tại các huyện: Krông Năng, M’Drak, Ea Súp, TP. Buôn Ma Thuột, qua đó nhắc nhở 8 điểm và xử phạt hành chính 12 điểm vi phạm về giờ hoạt động, không lưu trữ nhật ký cung cấp thông tin, nộp ngân sách Nhà nước 33,5 triệu đồng.

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, xử lý các điểm truy cập Internet và trò chơi trực tuyến, Sở còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý: tổ chức 2 lớp đào tạo về quản trị vận hành hệ thống Công nghệ thông tin cho các các bộ chuyên môn các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; tập huấn Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cho hơn 700 đại lý; tập huấn quy định mới về Internet – trò chơi trực tuyến cho hơn 40 cán bộ phòng văn hóa thông tin…

Trẻ em chơi  trò chơi trực tuyến  tại  một điểm truy cập Internet trên đường Nguyễn Du  (Buôn Ma Thuột).
Trẻ em chơi trò chơi trực tuyến tại một điểm truy cập Internet trên đường Nguyễn Du (Buôn Ma Thuột).

Ông Phan Xuân Thủy, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Internet và trò chơi trực tuyến là thế giới ảo rất khó quản lý. Thậm chí chính bản thân người chơi mặc dù biết những hệ lụy có thể gây ra như ảnh hưởng sức khỏe, công việc, học tập… nhưng vẫn bị sức hút của nó lôi cuốn, kể cả những người có học thức và tuổi đời cao. Do đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân, đặc biệt là lớp trẻ, học sinh, sinh viên có ý thức tự bảo vệ mình và trở thành bộ lọc thông tin để hướng dẫn những người xung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu, thông tin độc hại, hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội.

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh trò chơi trực tuyến phải là doanh nghiệp thành lập theo quy định luật pháp Việt Nam, có một máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ và cung cấp thông tin theo yêu cầu; phải áp dụng các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực như thực hiện đăng ký thông tin cá nhân của người chơi, áp dụng biện pháp hạn chế giờ chơi đối với trẻ em, người chơi dưới 18 tuổi; đại lý cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải cách trường học 200m trở lên, không được mở cửa từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau, có đăng ký kinh doanh, bảo đảm đủ ánh sáng, thiết bị PCCC theo quy định…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc