Multimedia Đọc Báo in

Những cô đỡ của núi rừng

09:41, 20/07/2014

Chỉ được đào tạo cấp tốc 6 tháng, với phụ cấp hằng tháng chẳng đáng là bao, nhưng các cô đỡ của những buôn làng xa xôi, hẻo lánh vẫn hằng ngày cần mẫn với thiên chức của mình...

Chúng tôi theo chân cô đỡ H’Nal Niê (SN 1988) của buôn Lak (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) khi chị đến khám cho thai phụ H’Loét (20 tuổi) ở cùng buôn. Khẽ bảo chị H’Loét nằm xuống giường, H’Nal nhẹ nhàng vén áo rồi đặt ống nghe lên bụng để theo dõi tim thai và tư vấn: “Thai được hơn 7 tháng tuổi, phát triển bình thường. Đã cuối thai kỳ nên em không được làm việc nặng, không nên đi rẫy xa, nhưng phải vận động đi lại thường xuyên để cho dễ đẻ”. 

Cô đỡ H'Nal đang khám thai cho một sản phụ.
Cô đỡ H'Nal đang khám thai cho một sản phụ.

 Chị H’loét tâm sự: “Lần đầu tiên mang bầu, mình chẳng biết làm sao để chăm sóc thật tốt em bé trong bụng để khi sinh cả mẹ và con đều khỏe mạnh. May sao vừa biết tin mình mang thai, chị H’Nal đã đến tư vấn, bày cho mình biết phải ăn gì, uống gì, kiêng gì; biết đi khám thai định kỳ, biết không nên làm việc nặng trong thời kỳ mang thai để tốt cho sức khỏe. Ngoài ra hàng tháng chị cũng đến thăm khám, đo huyết áp nên mình rất yên tâm”.  Hàng ngày, cũng như những phụ nữ dân tộc Eđê khác, công việc chính của chị H’Nal là làm rẫy phụ giúp gia đình. Dù bận rộn, chị vẫn dành nhiều buổi trưa, tối để đi thăm nom phụ nữ đang mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, khám và tuyên truyền sức khỏe sinh sản, chăm sóc vệ sinh thai nghén… Những ngày đầu, công việc chị gặp không ít khó khăn bởi bà con trước nay vẫn quen sinh nở tại nhà, ngại ngùng khi phải đi ra các cơ sở y tế. Thói quen xưa cũ đã “ăn sâu, bám rễ” vào cuộc sống, sinh hoạt nên chị phải tìm mọi cách tiếp xúc, từ lúc lên rẫy, đến khi về nhà, ra chợ… cho đến những cuộc họp thôn buôn để tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản. Đến nay, tất cả phụ nữ trong buôn đều ý thức được việc sinh con tại nhà sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cả mẹ và bé, nên đã đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện tuyến trên để sinh.

Thôn Ea Lang nằm cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông) khoảng 10km, đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù trời, với đa phần dân cư là người đồng bào thiểu số phía Bắc di cư vào. Do ở xa, kinh tế khó khăn nên phần lớn các gia đình ở đây đều để thai phụ sinh tại nhà. Cô đỡ Hoàng Thị Hiềm cho hay: từ ngày “nhậm chức” cô đỡ đến nay, gặp chị em trong thôn thay vì tán những chuyện trên trời, dưới đất, chị tranh thủ thời gian tư vấn về sức khỏe, sinh sản cho chị em. Cũng từ đó, điện thoại của chị trở thành “tổng đài” khi liên tục nhận các cuộc gọi người báo con đau, người trở dạ; những người sinh con ở nhà thì báo cho chị đến vệ sinh, cắt rốn cho em bé. Chị Hà Thị Nhựng, một cô đỡ ở thôn Tam Liên (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) tâm sự: “Trước đây, khi còn ở ngoài Bắc, mình từng chứng kiến những người mẹ khi sinh con phải vật vạ ở nhà, thắt rốn bằng chỉ khâu, cắt rốn bằng thanh nứa vót mỏng dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Nhiều người vì không được vệ sinh sau khi đẻ mà nhiễm trùng dẫn đến tử vong, nên khi được gọi đi học “đỡ đẻ” là mình đi liền để về bồi dưỡng kiến thức giúp cho đồng bào mình”.

Hiện, toàn tỉnh có 109 cô đỡ thôn, bản là người dân tộc thiểu số, được đào tạo trong 6 tháng về những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh thai nghén, đỡ đẻ… Chính những cô đỡ thôn, bản là một kênh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả tại những xã vùng sâu vùng xa, vì hơn ai hết họ là người dân tộc thiểu số, thường xuyên có mặt tại địa phương, am hiểu những tập quán của dân tộc mình nên dễ thuyết phục được thai phụ làm theo. Ngoài ra, họ cũng là người có mặt nhanh nhất trong những trường hợp bất khả kháng như thai phụ sinh tại nhà, kịp thời đỡ đẻ, vệ sinh em bé, cắt rốn..”.

Năm 2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BYT về Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản. Theo đó, chính thức đưa cô đỡ thôn, bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam, là một loại hình nhân viên y tế được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 75/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở mức 0,5 đối với các xã vùng khó khăn, và 0,3 đối với nhân viên y tế thôn, bản các xã còn lại so với mức lương tối thiểu.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc