Multimedia Đọc Báo in

Những thách thức trong công tác bảo tồn voi ở Dak Lak

20:56, 18/07/2014

Những năm qua, đàn voi nhà và voi rừng trên địa bàn tỉnh đang ngày càng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, Dự án bảo tồn voi mặc dù đã được phê duyệt nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đi vào triển khai thực hiện. Nguy cơ voi Dak Lak sẽ bị “xóa sổ” trong tương lai gần là điều khó tránh khỏi.

Đàn voi sụt giảm nghiêm trọng

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak, những năm qua, số lượng đàn voi hoang dã và cá thể voi nhà trên địa bàn tỉnh đang sụt giảm rất nhanh. Năm 1980 ghi nhận có khoảng trên 550 con voi hoang dã thường xuyên xuất hiện tại khu vực rừng giáp ranh biên giới với Campuchia thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, thì hiện nay chỉ còn xuất hiện khoảng 5 đàn với số lượng 60-70 cá thể. Chỉ từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh lực lượng kiểm lâm và người dân cũng phát hiện 17 cá thể voi rừng bị chết. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống của voi hoang dã bị thu hẹp, chia cắt, voi thiếu thức ăn, bị dịch bệnh, cộng với nạn săn bắn của con người để lấy ngà, lông đuôi, da… Đối với đàn voi nhà cũng không tránh khỏi thực trạng đáng buồn: Năm 1980 trên địa bàn tỉnh có 502 con, năm 2000 chỉ còn 96 con và đến nay còn lại 49 con. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay đã có 3 cá thể voi nhà bị chết là voi Y Chum (62 tuổi) của ông Đàng Năng Long (ở Khu du lịch Hồ Lak, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak), voi Y Dor (42 tuổi) của gia đình ông Y Lanh Niê và voi H’Ya Li (62 tuổi) của gia đình Y Bich Byă (cùng ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Như vậy, chỉ trong vòng 34 năm qua số lượng voi nhà đã sụt giảm trên 90%. Nguyên nhân được xác định là do tuổi voi cao, bị khai thác sức phục vụ du lịch quá mức, thiếu thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và trình độ nuôi dưỡng lạc hậu (voi chỉ được chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống của các chủ voi). Theo dự báo, với tốc độ voi chết nhiều như những năm qua, mà công tác bảo tồn còn chưa phát huy hiệu quả, thì khoảng 15-20 năm nữa, đàn voi trên địa bàn tỉnh sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị “xóa sổ”.

Hình thức du lịch voi luôn thu hút đông đảo du khách.   Ảnh: Hoàng Gia
Hình thức du lịch voi luôn thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Hoàng Gia

Có dịp đến tham quan Khu du lịch Buôn Đôn và Khu du lịch Hồ Lak, chứng kiến hình ảnh những con voi ở đây phải làm việc từ 4- 6 tiếng đồng hồ/ngày mà không khỏi xót xa. Mỗi tour vượt sông Sêrêpôk, dạo Vườn Quốc gia Yok Đôn, voi thường phải “cõng” trên mình khoảng 2-3 khách. Vào dịp lễ, Tết, voi còn phải lao động vất vả hơn, chở hết lượt khách này đến lượt khác mà không được nghỉ ngơi. Chưa kể chỗ ăn ở, chăm sóc voi lại quá tồi tệ, hôi hám, sức khỏe của voi bị giảm sút nghiêm trọng… Già làng Y Thơng Kdoh (buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho biết: Trước đây, voi nhà rất ít khi bị nhốt chân một chỗ và phải làm việc liên tục như bây giờ. Phần lớn thời gian sinh sống của voi đều được chủ thả trong rừng cùng với quần thể voi nhà khác để tự kiếm ăn, khi nào có việc cần đến voi giúp sức như chở lúa, bắp, hay kéo một vài khúc gỗ về dựng nhà… thì chủ mới gọi voi về. Hiện nay, những chủ voi trên địa bàn xã Krông Na đều liên kết tham gia làm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn. Giá mỗi tour cưỡi voi, khách phải trả 400.000- 600.000 đồng/1 tiếng đồng hồ, khoản tiền này sẽ chia đều 50-50 cho đơn vị thuê và chủ voi. Do lợi nhuận trước mắt khá cao nên các chủ voi và đơn vị thuê voi vẫn cứ mặc sức khai thác sức voi vô tội vạ để làm du lịch mỗi khi du khách có nhu cầu, mà xem nhẹ sức khỏe và sự tồn vong của voi.

Khó khăn trong công tác bảo tồn

Ngày 12-11-2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2362/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi đến năm 2020. Mục tiêu của Dự án nhằm quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, giảm thiểu khả năng xung đột giữa voi và người; đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường sinh thái. Theo dự án, đàn voi hoang dã và voi nhà sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản tại 2 trạm Bảo tồn voi đặt ở 2 huyện Ea Súp và Lak. Không gian bảo tồn voi nhà sẽ được quy hoạch trên diện tích rộng khoảng gần 350 ha đất rừng (150 ha ở huyện Lak, và 200 ha ở Buôn Đôn) để tạo sinh cảnh sống tự nhiên, làm nơi chăn thả voi, ươm trồng các loại cây voi thích ăn và xây dựng Bệnh viện chăm sóc voi. Tổng kinh phí dự án gần 84,7 tỷ đồng, trong đó có trên 66,7 tỷ đồng vốn từ Trung ương, số còn lại được trích từ ngân sách tỉnh và vốn hợp tác quốc tế.

Voi nhà tại Khu du lịch Buôn Đôn được khám sức khỏe định kỳ.
Voi nhà tại Khu du lịch Buôn Đôn được khám sức khỏe định kỳ.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak cho biết, công tác bảo tồn voi hiện đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi thực trạng số lượng đàn voi nhà và voi rừng đang suy giảm nhanh chóng, môi trường sinh sản cho voi khó khăn, không gian sinh tồn đang ngày càng bị thu hẹp… thì Dự án khẩn cấp bảo tồn voi Dak Lak lại đang vướng nhiều bất cập, chưa thể áp dụng vào thực tiễn.  Cụ thể, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt diện tích đất rừng làm vùng sinh cảnh tự nhiên phục vụ cho công tác bảo tồn voi; nguồn vốn của Trung ương chưa cấp về theo đúng kế hoạch, còn kinh phí của tỉnh cũng mới chỉ đủ trả lương cho cán bộ... Điều này đồng nghĩa với việc khu chăn thả voi, vườn thức ăn, cũng như Bệnh viện chăm sóc voi vẫn còn… nằm trên giấy! Theo ông Luân, việc bảo tồn và phát triển đàn voi nhà hiện nay không còn cách nào khác là thông qua con đường sinh sản. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 28-5-2014 Ban hành Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện chính sách về bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh.

Một con voi rừng bị chết  tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Một con voi rừng bị chết tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Theo đó, khi voi cái tham gia quá trình sinh sản thì sẽ được hỗ trợ khoảng 650 triệu đồng/con/chu kỳ sinh sản (từ 20- 22 tháng). Ngoài ra, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, môi trường sinh sống của voi sinh sản luôn được tạo điều kiện thích hợp… Qua khảo sát cho thấy, trong số 49 voi nhà còn lại thì có 43 voi đang còn trong độ tuổi và có khả năng sinh sản (19 con đực và 24 con cái). Mặc dù vậy, trong 20 năm trở lại đây tỷ lệ sinh sản của voi nhà rất thấp, gần như bằng 0. Nguyên nhân là do môi trường cho việc giao phối giữa voi đực và voi cái bị hạn chế bởi các chủ voi quản lý voi độc lập, ít thả voi cùng nhau mà chỉ tập trung chủ yếu cho khai thác du lịch. Theo ông Luân, muốn voi nhà sinh sản được thì cần có không gian để voi động dục, nhưng hiện nay Trung tâm vẫn chưa có quỹ đất để tạo môi trường sinh cảnh cho voi sinh sống tập trung. Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với Tổ chức bảo vệ động vật châu Á kiểm tra, nghiên cứu những con voi nào còn khả năng sinh sản cao thì tiến hành vận động chủ voi đăng ký tham gia vào quá trình cho voi sinh sản. Đối với việc bảo tồn voi rừng hoang dã thì phải duy trì được không gian sống tự nhiên của chúng. Thế nhưng, trong những năm qua, hàng chục nghìn héc-ta rừng ở Buôn Đôn và Ea Súp (nơi xuất hiện nhiều voi rừng sinh sống) đã bị “khai tử” do tình trạng khai thác rừng trái phép, giao đất rừng cho doanh nghiệp để trồng cao su...

Voi đã trở thành một huyền thoại của Tây Nguyên và là “đặc sản” của du lịch Dak Lak. Vì vậy việc bảo tồn voi không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một loài động vật quý hiếm, mà còn lưu giữ một phần bản sắc văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng, góp phần duy trì sự phát triển ổn định của ngành du lịch tỉnh nhà mà trong đó một phần quan trọng dựa vào voi.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc