Những thách thức trong duy trì Nhà thuốc đúng chuẩn GPP (Kỳ II)
Kỳ 2: Hoạt động của nhà thuốc GPP : “Bình mới, rượu cũ”
Theo quy định, hoạt động bán lẻ thuốc của nhà thuốc GPP phải tuân thủ những tiêu chí rất chặt chẽ từ khâu mua thuốc, bán thuốc cho đến bảo quản thuốc. Tuy nhiên, ghi nhận trên thực tế cho thấy, nhiều nhà thuốc trên địa bàn mặc dù đã được “gắn thương hiệu” GPP, nhưng hoạt động vẫn không có gì khác trước…
Nhà thuốc tốt, thực hành... chưa tốt
Tiêu chuẩn của nhà thuốc GPP là có đủ thiết bị bảo quản thuốc và thuốc phải được bảo quản duy trì ở nhiệt độ dưới 30OC, độ ẩm không vượt quá 75%. Thực tế tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc GPP dù đầu tư đầy đủ các thiết bị bảo quản thuốc (lắp đặt máy lạnh, có nhiệt kế, ẩm kế để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm tại nơi bán lẻ thuốc…) nhưng trong quá trình hoạt động rất ít nơi sử dụng các thiết bị này. Chúng tôi đã tận mắt “mục sở thị” nhiều nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn thị xã. Buôn Hồ vào những ngày cuối tháng 6, dù trời nắng như đổ lửa song đa số các nhà thuốc ở đây, kể cả những nhà thuốc lớn nằm giữa trung tâm thị xã đều mở toang cửa kính và không bật máy lạnh.
Bên cạnh các tiêu chuẩn về bảo quản thuốc, thực hiện bán thuốc theo đơn là một trong những tiêu chuẩn về bán lẻ thuốc của nhà thuốc GPP. Theo đó, kháng sinh là một trong những nhóm thuốc chỉ được bán khi có đơn. Quy định là vậy, nhưng hiện nay việc mua bán thuốc kháng sinh ở các nhà thuốc, quầy thuốc tương đối dễ dãi. Ghi nhận tại một số nhà thuốc GPP trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, hầu hết những nơi này đều bán thuốc kháng sinh (kể cả những loại thuốc theo diện quản lý đặc biệt) theo yêu cầu của người mua mà không cần hỏi đơn thuốc bác sĩ; trường hợp nếu không có loại thuốc người mua yêu cầu thì nhân viên nhà thuốc sẽ đề nghị người mua chuyển sang thuốc khác cùng loại. Đơn cử như mới đây, chúng tôi ghé một nhà thuốc trên đường Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột) hỏi mua thuốc Somazina (loại thuốc đặc trị dùng cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não), nhân viên của nhà thuốc lập tức bán chai thuốc với giá gần 600.000 đồng mà không cần hỏi đơn thuốc cũng chẳng quan tâm chúng tôi mua làm gì, mua cho ai dùng. Lần khác, khi đến một trong những nhà thuốc được xem là tiên phong trong việc thực hiện GPP của TP.Buôn Ma Thuột hỏi mua thuốc trị tiểu đường Glucophace, cô nhân viên chỉ hỏi mua loại hàm lượng bao nhiêu rồi sẵn sàng lấy thuốc bán, chẳng cần biết có mua thuốc theo toa của bác sĩ hay không.
Kiểm tra tại quầy thuốc số 8 trên đường Hùng Vương (thị xã Buôn Hồ). |
Ngoài chuyện bán thuốc vô tội vạ, phần lớn các nhà thuốc GPP còn “phớt lờ” quy định về tư vấn thuốc. Theo Quyết định 11, đối với người bệnh đòi hỏi phải có chẩn đoán của thầy thuốc mới có thể dùng thuốc, người bán lẻ cần tư vấn để bệnh nhân tới khám thầy thuốc chuyên khoa thích hợp hoặc bác sĩ điều trị; đối với những người mua thuốc chưa cần thiết phải dùng thuốc, nhân viên bán thuốc cần giải thích rõ cho họ hiểu và tự chăm sóc, tự theo dõi triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, trong những lần đi thực tế tại các nhà thuốc chúng tôi thấy hầu hết khi có người đến mua thuốc, nhân viên nhà thuốc, quầy thuốc chỉ hỏi cần mua loại thuốc gì để bán, đặc biệt là chưa có trường hợp nào từ chối bán thuốc do bệnh chưa cần thiết phải dùng thuốc. Rất nhiều trường hợp người bệnh đến gặp nhân viên bán thuốc... kể bệnh rồi được bán thuốc cho về uống. Không những thế, ở một số nhà thuốc, các dược sĩ đại học thường xuyên vắng mặt tại quầy, phó mặc việc tư vấn sử dụng thuốc cho dược sĩ trung học, dược tá và cả những người không có chuyên môn dược. Vì thế, mới có chuyện khách hàng hỏi về hoạt tính hoặc tác dụng phụ của thuốc sẽ chỉ nhận những câu trả lời cộc lốc cho qua chuyện, đại loại như “về đọc hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc sẽ biết”, “cứ uống đi, không sao đâu”…
Ngàn lẻ một lý do bao biện
Việc đạt chuẩn GPP nhưng hoạt động không đúng như nguyên tắc, tiêu chuẩn đề ra hiện rất phổ biến ở các nhà thuốc, quầy thuốc GPP. Với mỗi hành vi “lệch chuẩn”, các nhà thuốc, quầy thuốc luôn có những lý do bao biện. Lý giải về việc quầy thuốc của mình không mở điều hòa để bảo quản thuốc trong điều kiện thời tiết nắng nóng, chủ quầy thuốc X. nằm trên đường Hùng Vương (TX. Buôn Hồ) cho biết: “Cơ sở của tôi có quy mô nhỏ, hầu như chỉ bán lẻ thuốc cho bà con trong xóm nên lượng bán ra mỗi ngày không nhiều, thậm chí có những ngày chỉ bán được vài toa thuốc. Vì vậy, chỉ khi nào thời tiết thật nóng, tôi mới bật máy lạnh để thuốc không bị hỏng chứ ngày nào cũng mở máy lạnh thì tiền lời bán thuốc không đủ để đóng tiền điện”. Còn với nhà thuốc N.C cũng ở gần đấy, việc không tuân thủ quy định bán thuốc theo toa là bất đắc dĩ. Bà A., chủ nhà thuốc này chia sẻ: “Nếu cứ nhất nhất tuân thủ quy định bán thuốc theo toa có lẽ tôi “sập tiệm” lâu rồi. Hiện nay, bệnh viện nào cũng có nhà thuốc, phòng khám nào dù là đa khoa hay chuyên khoa thì bác sĩ cũng cho thuốc; như thế những nhà thuốc như chúng tôi biết tìm đâu ra đơn thuốc nên đành chấp nhận làm sai quy định”. Cũng có chung một nỗi niềm như nhà thuốc N.C, chủ quầy thuốc H. trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch: “Mặt bằng dân trí của dân mình chưa đồng đều, có người chỉ hắt hơi, sổ mũi cũng tìm đến bác sĩ, nhưng lại có những người ít quan tâm đến sức khỏe, khi bị ốm chỉ có thói quen ra tiệm mua liều thuốc về uống là xong. Cá biệt, có người bị viêm họng đến quầy thuốc của tôi hỏi mua thuốc uống trong 1 lần. Những trường hợp này chẳng ai có toa thuốc, nếu tôi đều từ chối thì biết bán thuốc cho ai(?!)”.
Tình trạng “nhà thuốc tốt nhưng thực hành chưa tốt” diễn ra hết sức phổ biến trong thực tế. Rõ ràng, làm thế nào để duy trì nhà thuốc đúng chuẩn GPP đang đặt ra cho ngành chức năng nhưng thách thức không nhỏ.
(Còn nữa)
Kim Oanh – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc