Multimedia Đọc Báo in

Để việc xếp hàng nơi công cộng trở thành nét văn hóa của người Việt

18:21, 03/08/2014
Đọc bài viết “Từ thói quen đến văn hóa xếp hàng nơi công cộng” của tác giả Xuân Giang đăng trên Báo Dak Lak số ra ngày 27-7-2014, tôi suy nghĩ về những câu hỏi mà tác giả đặt ra để tìm nguyên nhân dẫn đến nhiều người không có thói quen xếp hàng nơi công cộng mà chen lấn tạo thành một đám đông hỗn độn, gây ùn tắc.

Trước đây, vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là học sinh cấp I, ngày nào cũng vậy, nhà trường có hiệu lệnh để chúng tôi xếp hàng vào lớp, cho dù đã ngồi trong lớp cũng đi ra xếp hàng; sau giờ thể dục giữa buổi, cũng theo hiệu lệnh xếp hàng vào lớp. Bây giờ, học sinh từ mẫu giáo cũng đã học cách xếp hàng ở trường. Tôi thấy xếp hàng là công việc đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất, chỉ là mọi người đứng vào hàng một cách trật tự, ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau và có ưu tiên cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ em để thể hiện tính nhân văn trong mỗi con người. Tôi nghe bố mẹ kể lại, thời bao cấp, bố mẹ tôi rất quen với việc xếp hàng: xếp hàng mua thực phẩm, xếp hàng nhận đồ dùng sinh hoạt, xếp hàng chờ xem chiếu phim màn ảnh rộng… có người còn để cục gạch, chiếc ghế nhựa để “xếp hàng” thay mình, thế nhưng không ai tự ý bỏ cục gạch, chiếc ghế nhựa của người khác ra mà giành chỗ.

Tôi nghe nhiều người than phiền về việc người nọ, người kia không tuân thủ quy định xếp hàng, không tôn trọng người khác, thế nhưng, trong một lúc nào đó, chính họ cũng không tôn trọng quy định nơi công cộng, khi “có điều kiện” là lập tức chen lấn để giành vị trí phía bên trên – điều đó như một phản xạ, một thói quen.

Thiết nghĩ, để hình thành thói quen và thói quen trở thành văn hóa - văn hóa xếp hàng nơi công cộng – cần có quy định xếp hàng ở những nơi cần thiết, có thể là cắt cử nhân viên thông báo, nhắc nhở, hoặc có một tấm bảng yêu cầu xếp hàng, thậm chí nếu ai đó chen ngang, nhân viên bảo vệ cưỡng chế đưa ra ngoài. Sau này, khi mọi người đã có thói quen xếp hàng, những chế tài này sẽ được dỡ bỏ. Và một điều quan trọng nữa, đó là cần có những người làm gương. Người lớn làm gương cho trẻ nhỏ; cán bộ, công chức, viên chức làm gương cho nhân dân; người có uy tín, có chức danh, người nổi tiếng làm gương cho người bình thường; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vị nể, “ưu tiên” cho những người thân, người quen, tạo sự bất bình đẳng, khiến những người khác cảm thấy việc xếp hàng không còn ý nghĩa. Và còn những giải pháp khác đang chờ những ai quan tâm đến vấn đề văn hóa xếp hàng nơi công cộng suy nghĩ và đề ra một cách cụ thể, thiết thực.

Nguyễn Miêu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.