Multimedia Đọc Báo in

Người chị, người bạn của buôn làng

09:57, 15/08/2014
Sau nhiều lần hẹn, tôi mới có dịp được gặp bà khi bà vừa tất bật hoàn thành công việc thường ngày của một cán bộ huyện. Trong căn phòng làm việc ngập tràn giấy tờ các loại, có cảm giác như lúc ấy bà mới có dịp hồi tưởng về quá trình hơn 30 năm công tác của mình mà hầu như luôn đầy bận rộn.
 
Bà là H’Bliăk Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin (bà con thường gọi thân mật là Amí Bơng), chính thức bước vào công tác xã hội từ năm 1986. Với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tiêu, bà đã đưa phong trào phụ nữ của xã vươn lên đứng đầu huyện Krông Ana (cũ); đến năm 1996 bà được Đảng bộ tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu. Năm 2007, khi huyện Krông Ana được tách làm hai huyện, bà được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho đến nay. Được phân công phụ trách công tác văn hóa xã hội nói chung và công tác dân tộc nói riêng, bà đã mạnh dạn đưa ra những cách làm riêng, phù hợp với đặc điểm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Cư Kuin chiếm 30% dân số toàn huyện, công tác vận động quần chúng luôn được các cấp ủy và chính quyền đặc biệt quan tâm. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh từ cơ sở hay các buôn làng bà đều trực tiếp tiếp xúc với đồng bào để tuyên truyền, giải thích. Ami Bơng bảo: “Tôi là cán bộ người dân tộc nên hơn ai hết tôi thấu hiểu tình cảm, tâm lý và phong tục tập quán của bà con và có thể dễ dàng sống cùng với họ”. Thế nên ngoài công tác tại cơ quan, bà thường chủ động tham gia sinh hoạt với bà con buôn làng, từ những lễ hội, cưới hỏi đến tang chay bà đều có mặt. Theo bà, đây là cơ hội được gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến phản ánh thật nhất của bà con và cũng là dịp để bà con nghe mình nhất khi tuyên truyền về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. 
Phó  Chủ tịch UBND  huyện Cư Kuin  H’Bliăk Niê (Amí Bơng) kiểm tra  công tác chuẩn bị  của  đội chiêng phục vụ Đại hội  đại biểu  dân tộc  thiểu số huyện  Cư Kuin  lần thứ II năm 2014.       Ảnh: K.O
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin H’Bliăk Niê (Amí Bơng) kiểm tra công tác chuẩn bị của đội chiêng phục vụ Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số huyện Cư Kuin lần thứ II năm 2014. Ảnh: K.O

Còn nhớ năm 2004, sau khi vận động được một bộ phận đồng bào DTTS từng nghe theo lời kẻ xấu bỏ bê sản xuất để trở về buôn làng, bà cùng nhiều đồng chí khác tích cực vận động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn chuyển giao nhiều diện tích đất về cho địa phương, từ đó đã cấp trên 200 ha cho 520 hộ thiếu đất sản xuất, giúp bà con ổn định cuộc sống. Ngoài ra còn vận động 300 hộ gia đình tự san sẻ nhau đất ở và đất sản xuất để các hộ khó khăn dần ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong hai năm 2012 – 2013, Amí Bơng đã vận động được 500 người tham gia chương trình xuất khẩu lao động và hơn 1 nghìn bà con đi lao động ở các địa phương khác. Nhờ đó 2/3 số hộ có người xuất khẩu lao động đã thoát được nghèo. Bà tâm sự: “Tôi đi lên từ cùng cực nghèo đói nên tôi hiểu lắm khát vọng thoát nghèo của bà con”. Nhờ nghe theo bà mà cuộc sống của nhiều bà con đang ngày càng được cải thiện, đến nay rất nhiều hộ đồng bào DTTS đã có cuộc sống sung túc, nhiều nhà đã sắm được công cụ sản xuất hiện đại, vô tuyến, xe máy…

Kể ra thì nhiều lắm những việc mà Amí Bơng làm được cho bà con. Trong suốt chặng đường công tác, đôi chân của bà như không bao giờ biết mỏi, đi hết buôn này đến làng khác, vào từng nhà, gặp từng người để nói cho họ nghe cái đúng, cái sai, điều gì cần làm, điều gì không nên làm. Đối với bà con, Amí Bơng vừa là cán bộ, vừa là người bạn, một người chị chí tình. Khi được hỏi bà đã được gì trong suốt thời gian công tác, bà bảo, hạnh phúc nhất là khi trở về với buôn làng bà luôn được sống trong vòng tay của bà con, để nghe những tiếng gọi bà, gọi chị đầy thân thương…

Quốc Anh 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.