Qua 5 năm triển khai Chương trình số 23-CTr/TU của Tỉnh ủy: Nhiều khởi sắc trong hoạt động văn học - nghệ thuật địa phương
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh bồi dưỡng về công tác văn hóa-văn nghệ trong tình hình mới cho đại diện các cấp ủy, chính quyền và cán bộ quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp; tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Thông báo kết luận 213-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật” cho cán bộ, đảng viên và hội viên; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan chủ động theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm (nếu có); tổ chức tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các ngành chức năng trong các hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ, giao ban báo chí, các hội nghị chuyên đề... nhằm cung cấp thông tin, định hướng chính trị, tư tưởng, khuynh hướng sáng tác. Qua đó, các văn nghệ sĩ trí thức, người làm công tác văn học, nghệ thuật nêu cao hơn tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; tích cực tuyên truyền, biểu dương các gương điển hình tiên tiến, cổ vũ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đội chiêng trẻ buôn Ea Bông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) diễn tấu nhạc cụ dân tộc tại buổi gặp mặt sinh viên dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak. |
Trong 5 năm qua, cùng với việc đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, đơn vị, các cấp ủy đảng và chính quyền, đoàn thể đã quan tâm xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý bảo đảm được định hướng chính trị, khuyến khích, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ toàn tỉnh lao động, sáng tạo nghệ thuật một cách tích cực. Nhờ vậy, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh thời gian qua đã có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, vừa có tác dụng định hướng vừa đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần ngày càng cao và đa dạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã bám sát cuộc sống, thực tiễn đổi mới của đất nước, của tỉnh, sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đi sâu khai thác bản sắc văn hóa dân tộc như: văn hóa cồng chiêng, sử thi Êđê, M’nông... Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh cùng các nghệ nhân đã dày công sưu tầm, dịch thuật để bảo tồn, gìn giữ các tác phẩm đặc sắc của truyện cổ M’nông, Êđê. Nhiều nhạc cụ dân gian Êđê, M’nông, J’rai được các nghệ sĩ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành phục hồi, chế tác và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3.855 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 635 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 568 nghệ nhân sử dụng các loại nhạc cụ tre, nứa, 370 nghệ nhân tạc tượng. Trong đó, nhiều nghệ nhân đã tham dự các cuộc liên hoan triển lãm nghệ thuật ở khu vực, trong nước, quốc tế và giành được nhiều kết quả cao, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, quảng bá và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Đến nay, tỉnh ta đã sưu tầm và thống kê được 70 sử thi Êđê, 145 sử thi M’nông; tổ chức được 3 lớp truyền dạy hát, kể sử thi cho 90 thiếu niên dân tộc Êđê, M’nông; điều tra, thống kê được danh mục gần 70 lễ hội truyền thống của các dân tộc thuộc hệ thống nghi lễ-lễ hội nông nghiệp, phục dựng thành công các lễ hội truyền thống tiêu biểu; sưu tầm được 50 loại nhạc vụ dân tộc Êđê, M’nông... Không chỉ văn học, văn nghệ dân gian, các lĩnh vực khác như nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa-sân khấu, âm nhạc đều có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh. Trong những sự kiện văn hóa – chính trị của đất nước, của tỉnh diễn ra trong thời gian qua đều có sự tham gia, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh.
Cùng với việc triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống như: Nghị quyết của HĐND tỉnh về bảo tồn phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Dak Lak giai đoạn 2012-2015; Chỉ thị của UBND tỉnh về việc bảo tồn phát huy các di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Dak Lak trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án bảo tồn ngôn ngữ M’nông, Êđê..., tỉnh cũng đã tổ chức xét và trao giải thưởng văn học-nghệ thuật Chư Yang Sin với định kỳ 5 năm/lần (Dak Lak là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên thực hiện trao Giải thưởng về văn học-nghệ thuật). Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh kịp thời rà soát và điều chỉnh, bổ sung các chế độ chính sách đãi ngộ, kinh phí, nhuận bút... từng năm đối với hoạt động văn học-nghệ thuật nhằm kịp thời động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ. Từ nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ sáng tạo văn học, nghệ thuật, trong 5 năm qua, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức được 11 trại sáng tác, 17 chuyến đi thực tế ngoài tỉnh, hàng chục chuyến đi thực tế trong tỉnh với sự tham gia của hàng trăm lượt hội viên. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua cũng mang lại những đổi mới trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật ở một số địa phương như TP.Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Ana, Cư M’gar, Krông Năng... với các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật hoạt động bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, không dựa vào ngân sách nhà nước.
Nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; 5 di tích, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và 38 di tích ở dạng tiềm năng. Hầu hết các di tích này đã được đầu tư nâng cấp, gìn giữ, phát huy phục vụ tốt hoạt động tham quan, du lịch. Tỉnh cũng đã nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa như: rạp chiếu phim, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng và một số địa điểm biểu diễn văn nghệ quần chúng. Toàn tỉnh hiện có Thư viện tỉnh và 12 thư viện huyện với 13 phòng đọc và 144.382 đầu sách; bảo tàng tỉnh được đầu tư xây dựng quy mô hiện đại với trên 10.000 tư liệu, hiện vật trưng bày phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch; 3 rạp chiếu phim,16 đội chiếu phim lưu động phục vụ nhu cầu giải trí và làm công tác tuyên truyền. Hệ thống nhà văn hóa cộng đồng tiếp tục được đầu tư, xây dựng và quản lý với 578/609 buôn trên địa bàn có nhà văn hóa cộng đồng, đạt 93,75%. Song song đó, các cấp ủy, chính quyền cũng chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng; khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, bảo tồn văn hóa truyền thống. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập đội văn nghệ quần chúng; các huyện, thị, thành phố đều có đội thông tin lưu động. Số người biết hát tiếng Êđê, M’nông hiện có khoảng 3.000 người. Các tổ chức đoàn thể đều chủ động tổ chức hoạt động văn hóa truyền thống, định kỳ tổ chức liên hoan dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc các cấp.
Với kết quả đạt được trong 5 năm qua, có thể nói Chương trình số 23-CTr/TU đã và đang thấm sâu vào đời sống văn học – nghệ thuật, góp phần động viên văn nghệ sĩ địa phương có sự chuyển động mới, nhận thức mới, đi sâu vào thực tế cuộc sống, phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống của nhân dân trên địa bàn đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc