Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để xuất khẩu lao động trở thành "kênh" phát triển kinh tế hiệu quả? (kỳ cuối)

10:07, 17/09/2014

Kỳ cuối: Gỡ khó cho xuất khẩu lao động: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tăng cường thông tin, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp, tạo điều kiện dễ dàng trong vay vốn xuất khẩu lao động (XKLĐ), đồng thời chú trọng đào tạo nghề và kỹ năng cần thiết cho lao động XKLĐ… được xem là những giải pháp gỡ “khó” cho XKLĐ.

Những tín hiệu vui

Từ năm 2012 trở lại đây, công tác XKLĐ được các cấp chính quyền quan tâm hơn, với việc triển khai những chính sách ưu đãi, chính sách vay vốn và tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận các thông tin đáng tin cậy về XKLĐ. Ông Lê Hạnh, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương và Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Để tạo lòng tin, thu hút người lao động đến với XKLĐ, ngành LĐ-TB&XH đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm cho người lao động hiểu rằng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là có thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo và đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, Sở lựa chọn các doanh nghiệp đáng tin cậy, có uy tín trong tổ chức XKLĐ để giới thiệu với các địa phương và người lao động. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh được giao nhiệm vụ tạo nguồn XKLĐ, liên kết với các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về XKLĐ… Một số doanh nghiệp XKLĐ được giới thiệu về các địa phương tuyển lao động đã dần quen, nắm được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, tư vấn đúng thị trường XKLĐ, cung cấp đầy đủ thông tin về thu nhập, việc làm để người lao động lựa chọn phù hợp với khả năng của mình.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương đã đề ra nhiều chính sách ưu đãi cho các đối tượng XKLĐ, như: Thông tư liên tịch số 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015, trong đó có Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức cần thiết nhằm nâng cao trình độ tay nghề, giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 12-8-2013 quy định về cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo đó mức cho vay tối đa không quá 30 triệu đồng/lao động, lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng.

Bà con  đến dự  buổi tư vấn về XKLĐ của  Công ty  Cổ phần Xuất nhập khẩu  Hải Dương.
Bà con đến dự buổi tư vấn về XKLĐ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương.

Nhờ vậy, XKLĐ bắt đầu có những chuyển biến tích cực: năm 2012, toàn tỉnh có 615 lao động được đưa đi xuất khẩu; năm 2013, con số này tăng lên 788 người, trong đó có 185 người được Nhà nước hỗ trợ về đào tạo ngoại ngữ, làm hộ chiếu, visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết… 6 tháng đầu năm 2014, cũng đã có 180 lao động xuất cảnh đồng thời có 165 lao động khác đang được đào tạo tại Trung tâm dạy nghề các huyện Cư Kuin, Lak và Ea Kar nhằm XKLĐ trong thời gian sắp tới. Theo đại diện một doanh nghiệp XKLĐ, lao động Dak Lak có tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên tiếp cận khá nhanh với công việc; đặc biệt, với thị trường Malaysia, lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh ta có sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ với nước bạn nên dễ hòa nhập, thích nghi nhanh chóng với nơi làm việc. Mức lương người lao động đi xuất khẩu hiện ở mức 8-12 triệu đồng/người/tháng, tuy chưa cao song cũng giúp nhiều gia đình cải thiện đáng kể cuộc sống.

Cần nhiều hơn những giải pháp đồng bộ

Mặc dù có một vài chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác XKLĐ. Mục tiêu đạt số lượng người XKLĐ hằng năm giai đoạn 2013-2015 là 850 lao động xem ra không thể đạt nếu không đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Đông, Trưởng Phòng XKLĐ chi nhánh Dak Lak của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền cơ sở với doanh nghiệp trong việc phổ biến thông tin về XKLĐ đến người dân, nhất là những thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người lao động đi XKLĐ. Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh Dak Lak đã có quy định cho vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng song đối tượng thuộc diện được vay còn ít; nhiều người lao động thuộc diện đối tượng chính sách có nhu cầu nhưng không vay được vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã phải vay vốn ở bên ngoài để có kinh phí đi XKLĐ. Vì vậy, bên cạnh việc các địa phương cần xem xét, bố trí, huy động thêm nguồn vốn để thực hiện cho vay XKLĐ, cần đưa người lao động đi XKLĐ vào tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương nhằm nắm bắt kịp thời vốn vay và được vay vốn, bảo đảm quy trình vay, thu nợ cũng như trả nợ ngân hàng; về lâu dài cần xây dựng Quỹ XKLĐ bằng hình thức góp vốn tự nguyện (từ người đi XKLĐ) để cho người có nhu cầu vay với lãi suất ưu đãi.

Lớp học may ở Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: H.G
Lớp học may ở Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: H.G

Ngoài ra, theo ý kiến của đại diện ngành LĐ-TB&XH, do tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp nào có chức năng XKLĐ nên cần lựa chọn kỹ trong việc giới thiệu các doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh đến các địa phương làm công tác tư vấn tuyển chọn. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp XKLĐ; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong tư vấn, tuyển lao động tại địa phương, cần tư vấn “2 chiều” (cả thuận lợi và khó khăn), ngăn ngừa tình trạng các doanh nghiệp “tô hồng” việc làm, mức lương... ở nước ngoài. Tỉnh cũng cần định kỳ tổ chức hội nghị chuyên đề về XKLĐ; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa người lao động có nhu cầu đi XKLĐ với những người đã đi XKLĐ trở về. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động trước khi XKLĐ để giúp lao động biết về phong tục tập quán của nước sở tại, chấp hành tốt kỷ luật lao động; xây dựng, thành lập các Tổ tương trợ XKLĐ theo dòng họ, tổ tương trợ XKLĐ ở thôn buôn, tổ dân phố hoặc nhóm hộ gia đình ở những địa phương có đông người đi XKLĐ... nhằm giúp lao động nắm bắt, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước đến làm việc. Chính quyền các địa phương cần thống kê, tổng hợp và nắm rõ địa chỉ của những lao động ở địa phương đi XKLĐ đang bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài để thuyết phục, vận động họ về nước đúng quy định.

Mặt khác, về lâu dài, tỉnh cần chú trọng đến công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn của người lao động nhằm hướng đến những thị trường lao động đòi hỏi tay nghề cao với mức lương cao hơn, góp phần cải thiện cuộc sống người lao động cũng như tận dụng được nguồn lực từ XKLĐ mang lại.

Lan Anh – Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc