Multimedia Đọc Báo in

Lời ru buồn!

10:37, 29/09/2014

Lâu nay tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều con ở một số xã vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông đã gây nhiều hệ lụy. Mặc dù chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách Dân số – KHHGĐ nhưng vẫn còn không ít gia đình “trẻ con” cứ lần lượt ra đời!

Lý Thị Gánh vừa trông con,  vừa tranh thủ thêu áo quần.
Lý Thị Gánh vừa trông con, vừa tranh thủ thêu áo quần.
Căn nhà xập xệ của vợ chồng Giàng Seo Sử (sinh năm 1994) nằm sâu trong thôn Cư Rang, xã Cư Pui. “Tổ ấm” của hai bạn trẻ được xây dựng hơn 4 năm nay rồi nhưng chưa có tiền gia cố nên tới mùa mưa, cả nhà ướt nhẹp vì thấm dột. Trước đây, Sử cũng được gia đình cho ăn học, nhưng việc nói Tiếng Việt hơi chậm ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu bài vở, đã vậy đường sá đến trường quá xa xôi nên Sử quyết định ở nhà phụ bố mẹ làm mùa. Cách nhà Sử không xa, cô bé Lý Thị Gánh (sinh năm 1996) cũng học hết lớp 6 rồi nghỉ. Cả hai gặp gỡ, hẹn hò khi đi làm rẫy và nhanh chóng kết hôn khi Sử mới 16 tuổi, Gánh 14 tuổi. Hằng ngày, Sử lên rừng hái măng, săn bắt, lúc rảnh rỗi ai thuê gì làm đó còn vợ thì ở nhà chăm con nhỏ, lo việc cơm nước, tranh thủ lôi vải ra thêu thùa, may vá. Đến nay, vợ chồng Sử đã có bé trai hơn 1 tuổi, cháu bé đang bị bệnh, tay chân cháu cứ dần lở loét, mụn nhọt mọc khắp, quấy khóc liên tục. Người mẹ trẻ không biết làm gì hơn, chỉ nhìn con xót xa rồi rưng rưng nước mắt. Thấy con như vậy, Sử nổi cáu với vợ, nhưng chẳng làm gì được khi Sử cũng không biết con trai đang bị bệnh gì, đi trạm y tế thì sợ tốn kém nên đành cho con nằm nhà với hy vọng ít hôm nữa bệnh... sẽ tự khỏi. Trong hoàn cảnh hiện tại khốn khổ như vậy nhưng hai vợ chồng vẫn đang dự tính sẽ sinh thêm... 3-4 đứa nữa.

Cách nhà Sử một con mương, cặp vợ chồng Ma Seo Sính và Thèo Thị Xế (cùng sinh năm 1996) đã có cô con gái 4 tháng tuổi, hiện cả hai chưa có tiền làm nhà nên ở chung với gia đình chồng. Chật chội đã đành, lại thiếu thốn vật chất nên Sính và Xế thường xuyên cãi cọ. Từ khi con chưa đầy 3 tháng tuổi, Xế đã cùng chồng lên rừng hái măng về bán, có hôm đi làm cỏ thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Bận bịu công việc buộc Xế phải gửi con cho em chồng. Mỗi lần đứa trẻ quấy khóc hay đói sữa, người cô đang học lớp 8 lại bồng cháu đi quanh xóm xin bú nhờ… Sính cho biết, cậu cũng từng học đến lớp 8 rồi nghỉ vì gia đình ngày đó nghèo khổ quá chừng, đường đến trường lại xa, trong khi nhiều bạn bè của Sính đã nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng nên Sính cũng muốn được sớm lên chức bố! Nhưng không ngờ, cưới vợ rồi cuộc sống lại khó khăn trăm bề…

Những đứa trẻ thôn Cư Rang tự chơi đùa, chăm sóc nhau để bố mẹ lên nương rẫy.
Những đứa trẻ thôn Cư Rang tự chơi đùa, chăm sóc nhau để bố mẹ lên nương rẫy.

Cách nhà Sính khoảng 5 bước chân là gia đình của người họ hàng, hai vợ chồng đi rẫy đến tối mịt mới về, để đàn con lóc nhóc, mặt mũi lấm lem bùn đất tự chơi với nhau. Trưa nắng như thiêu đốt, lũ trẻ bưng bát cơm không có thức ăn ra ngồi trước hiên nhà ăn ngấu nghiến. Chơi đùa chán, chúng lại nằm bệt xuống sàn nhà đánh một giấc, chờ bố mẹ đi rẫy về.

Được biết hiện có trường hợp vợ chồng Y Mưng (sinh năm 1996) và H’Nhi (sinh năm 1997) ở buôn Quanh, xã Yang Mao đã cưới nhau hơn 2 năm nay nhưng vẫn đi học nhờ có bố mẹ hai gia đình động viên đến trường, lo kiếm con chữ sau này tìm việc làm… Tuy vậy, đó chỉ là trường hợp đặc biệt hiếm hoi. Bởi cũng lấy chồng sớm như H’Nhi nhưng một số “bà mẹ trẻ” học đến lớp 11, lớp 12 đành phải nghỉ học ở nhà nuôi con. Một phần vì phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, việc học hành của các em trở nên dở dang, còn con đường đi đến hạnh phúc cũng trở nên gập ghềnh, mệt mỏi hơn.

Đến nay, tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều ở một số thôn, buôn trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn là bài toán thách thức chính quyền và các ban ngành địa phương. Lời ru buồn không biết đến bao giờ mới tới hồi kết nhưng rõ ràng, cuộc sống của những đứa bé, những gia đình vợ chồng trẻ con vẫn đang đối mặt với khó khăn, chật vật mỗi ngày…

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.