Multimedia Đọc Báo in

Nghề "làm dâu trăm họ"

20:07, 21/09/2014

“Alô, tổng đài 1080 xin nghe...”.  Giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp ấy lại vang lên mỗi khi người dân gọi đến 1080 để xin được giải đáp thông tin. Công việc của những người thường được ví von là “làm dâu trăm họ” tưởng đơn giản chỉ là nghe và trả lời nhưng thực tế họ có những áp lực và khó khăn không phải ai cũng biết...

Những hồi chuông đổ dồn dập tưởng như không lúc nào ngớt, xen lẫn là giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp với những ngón tay lướt trên bàn phím nhanh thoăn thoắt là hình ảnh mà chúng tôi gặp trong một ca làm việc của tổng đài 1080 Dak Lak. Qua quan sát, một điện thoại viên luôn ngồi trước ít nhất 2 chiếc điện thoại. Nhiều lúc khách hàng gọi điện tới nhiều, họ phải luân chuyển máy ở hai tai, vừa dứt máy này liền “Alô” ngay bên máy khác, công việc tưởng nhẹ nhàng nhưng kỳ thực khá áp lực, vất vả. Chị Trần Thị Thu Nga, Trưởng đài hỗ trợ khách hàng, Trung tâm kinh doanh Viễn thông Dak Lak cho biết: “Mỗi ngày trung tâm nhận trên một nghìn cuộc gọi của khách hàng thắc mắc đủ thứ từ các dịch vụ của trung tâm đến các vấn đề đời sống. Một điện thoại viên trả lời hơn 300 cuộc gọi mỗi ngày, trung bình mỗi cuộc khoảng 1 phút nên áp lực công việc rất lớn. Những ngày cao điểm như mùa thi tuyển đại học, cao đẳng gần đây điện thoại càng “cháy” khiến công việc còn căng thẳng hơn”.      
 
Được biết, để trở thành một điện thoại viên của Tổng đài phải có giọng nói truyền cảm, nhẹ nhàng, có khả năng giao tiếp tốt và chịu được áp lực cao trong công việc. Họ phải ghi nhớ nhiều thông tin danh bạ, địa chỉ... để giải đáp nhanh cho khách hàng. Công việc còn căng thẳng hơn khi điện thoại viên còn kiêm luôn công việc biên tập. Họ phải thường xuyên cập nhật dữ liệu cho từng mảng như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật... rồi biên tập vào hệ thống dữ liệu của đài để khi cần, thông tin sẽ hiện ra nhanh chóng. Khi chưa có Internet công việc còn khó khăn hơn rất nhiều. Những điện thoại viên lâu năm trong đài 1080 Dak Lak nhớ lại, để có tên đường, địa chỉ, số điện thoại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn... họ phải chia thành từng nhóm đi dọc các tuyến đường, khu phố, con hẻm để ghi lại; đến các UBND xã, phường để cập nhật thông tin liên quan ở địa phương đó, đồng thời đọc nhiều sách, báo tìm kiếm thông tin... rồi mới nhập dữ liệu vào máy.
Các điện thoại viên Tổng đài 1080 Dak Lak trực liên tục trên máy để giải đáp thông tin với khách hàng.
Các điện thoại viên Tổng đài 1080 Dak Lak trực liên tục trên máy để giải đáp thông tin với khách hàng.

Là nghề phải tiếp xúc nhiều người với đủ thành phần, lứa tuổi, thậm chí có những khách hàng khó tính, nóng nảy, việc “làm dâu trăm họ” không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Nhiều lúc nghe điện thoại đến ù cả tai, người cảm thấy mệt mỏi còn gặp những khách hàng khó tính, mình phải thật khéo léo xử lý, giữ thái độ điềm tĩnh, giọng nói nhẹ nhàng, giải thích tỉ mỉ cho khách hàng hiểu”, chị Nguyễn Thị Quyên (40 tuổi) tâm sự. Do tính chất công việc phải làm theo ca nên những nữ điện thoại viên còn gặp nhiều vất vả để chu toàn công việc gia đình. Chị Nga nói: “Hiện trung tâm có 11 điện thoại viên đều là các chị em đã có gia đình. Thời gian làm việc là từ 7 giờ đến 22 giờ chia thành 4 ca, có ca làm đến 13 giờ 30, có ca đến 22 giờ”. Có chị nhà cách chục cây số, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, vừa hết ca trực ở tổng đài liền đi làm thêm công việc khác để lo cho gia đình. Lắng nghe những câu chuyện, những tâm sự sau giờ tan ca của các điện thoại viên – những con người được gọi chung bằng cái tên ngắn gọn “1080”, chúng tôi mới phần nào hiểu được công việc nhiều áp lực, vất vả của họ.

Dẫu vậy nhưng các nữ điện thoại viên luôn yêu và gắn bó với nghề, bởi mỗi ngày họ luôn tìm thấy niềm vui từ chính công việc của mình. Đó là có thể được tiếp xúc với nhiều khách hàng, đủ lứa tuổi và thành phần, không chỉ kịp thời giải đáp thông tin mà còn chia sẻ tình cảm, giải tỏa những khúc mắc mà “nỗi lòng không biết tỏ cùng ai” của khách hàng. Chị Đinh Thị Đức, một trong những người có thâm niên trong đài chia sẻ: “Chị đến với nghề đã 15 năm, lắng nghe không biết bao nhiêu câu hỏi của khách hàng, có những người gặp chuyện buồn và muốn tìm một người để chia sẻ. Và lúc ấy mình đã động viên để họ bình tĩnh trở lại. Chính những điều đơn giản đó là động lực để chị yêu nghề hơn”. Khi chúng tôi hỏi nếu gặp những khách hàng khó tính chị có buồn không, vẫn nụ cười tươi chị Đức đáp: “Quen rồi em à, chỉ cần khách hàng nhớ đến mình mà gọi là chị vui rồi”.

Và cứ thế, mỗi ngày các chị lại tiếp tục guồng quay công việc của mình với những âm thanh quen thuộc: tiếng chuông điện thoại, tiếng gõ bàn phím nhanh thoăn thoắt và giọng nói ấm áp “Alô, tổng đài 1080 xin nghe!”...

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc