Những thanh niên dân tộc thiểu số quyết tâm học nghề lập thân, lập nghiệp
Bằng nghị lực, quyết tâm và biết chọn đúng hướng lập thân, lập nghiệp, không ít bạn trẻ là người dân tộc thiểu số đã nỗ lực vượt qua những khó khăn ban đầu để thành công với nghề đã chọn.
Lập nghiệp bằng nghề sửa chữa xe máy
Anh Y Tuel Niê (SN 1984) trú tổ dân phố 3, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột sinh ra trong một gia đình người dân tộc Êđê nghèo. Y Tuel là con cả trong nhà có 4 anh em nên ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, ý nghĩ phải chọn con đường nào để lập nghiệp mà tốn ít thời gian và tiền của luôn đau đáu trong suy nghĩ của anh. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2005, anh xin vào một tiệm sửa xe máy trên địa bàn phường Ea Tam để theo học nghề. Với khả năng nắm bắt, tiếp thu kiến thức nhanh, chỉ sau ba tháng học nghề, anh đã có thể xin vào làm cho một cửa hàng bảo hành, sửa chữa xe máy của hãng Honda trên đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột). Để trau dồi và nâng cao tay nghề, ngoài thời gian làm việc chính, anh còn chú ý học hỏi, mày mò tìm hiểu để “bắt bệnh” cho những loại xe đời mới, hiện đại.
Sau 3 năm làm thuê, đến năm 2009, với số tiền tích cóp được cùng với một ít vốn vay mượn của người thân, Y Tuel bắt đầu sự nghiệp cho riêng mình bằng việc đầu tư mua sắm máy nén khí, máy khoan, máy mài, tủ đựng đồ nghề và phụ tùng… để mở một cửa tiệm sửa chữa xe máy ngay tại nhà. Nhờ có tay nghề vững, lại có kinh nghiệm trong việc chữa những “căn bệnh” khó đối với các dòng xe mới nên khách hàng ngày càng đông. Thường mỗi ngày cửa hàng anh luôn đón từ 15 - 20 khách hàng đến sửa chữa. Từ nghề sửa chữa xe máy, mỗi ngày Y Tuel có thu nhập khoảng từ 500 nghìn - 1 triệu đồng, thậm chí lên đến 2 triệu đồng vào những ngày cao điểm. Đến nay, sau gần 7 năm gắn bó với nghề, anh đã mua đất, làm nhà và có cuộc sống khá ổn định. Y Tuel chia sẻ: “Công việc gì cũng có những khó khăn nhất định, điều quan trọng là bản thân phải có nghị lực và quyết tâm cao. Chỉ khi vượt qua được khó khăn để khẳng định được bản thân, mình mới thực sự cảm thấy vui và hạnh phúc”.
Ước mơ sẽ khởi nghiệp bằng nghề may
Năm 2005, em Thẩm Thị Vui (SN 1994) người dân tộc Tày, cùng với gia đình từ tỉnh Lạng Sơn vào xã Ea Sô, huyện Ea Kar lập nghiệp. Do ruộng rẫy ít, gia đình lại đông con (5 anh chị em) nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Học hết bậc THCS em phải nghỉ học để tham gia làm rẫy phụ giúp gia đình. Năm 2012, tình cờ Vui được người thân giới thiệu xin vào làm công nhân cho Cơ sở sản xuất tất tay, tất chân Mai Hoàn ở tổ dân phố 10, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Mỗi ngày em làm việc 8 giờ đồng hồ, đứng máy quay sợi cotton tổng hợp tự động dệt thành vải trước khi đưa xuống cho bộ phận khác cắt thành phẩm. Những ngày đầu học việc, lương của em chỉ được hơn 1 triệu đồng/tháng. Đến nay, khi đã thuần thục với công việc nên được trả lương khá cao, mỗi tháng được 3 triệu đồng tiền lương (trừ chi phí ăn, ở). Vui chia sẻ: Mỗi tháng ngoài tiền lương cố định, nếu làm tăng ca hoặc làm vượt định mức thì đều được thưởng. Số tiền này em dành 1 triệu đồng cho việc chi tiêu cá nhân, gửi về nhà 1 triệu đồng để phụ giúp gia đình, phần còn lại em gửi tiết kiệm ngân hàng để làm vốn lập nghiệp sau này. Ước mơ của Vui là khi có đủ kinh nghiệm, vốn liếng, em sẽ tự đứng ra mở một cơ sở làm nghề tại xã Ea Sô, để tạo điều kiện giúp đỡ cho các thanh niên và lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định.
Người cán bộ của buôn làm kinh tế giỏi
Anh Y Niêôl H’đơk (SN 1987) không chỉ là người cán bộ năng động, nhiệt tình với công tác xã hội của buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), anh còn là tấm gương điển hình vượt khó phát triển kinh tế để các thanh niên trong buôn noi theo. Trước đây, kinh tế gia đình Y Niêôl chỉ phụ thuộc vào 3 sào sắn nên khá khó khăn. Bản thân Y Niêôl khi chưa học hết lớp 11 đã phải nghỉ xin đi làm phụ hồ. Anh suy nghĩ, phải làm cách nào để phát triển kinh tế gia đình và làm giàu chính đáng, đồng thời có thể làm gương cho các bạn thanh niên khác noi theo.
Chính từ những trăn trở đó năm 2012, Y Niêôl đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp của Thành Đoàn Buôn Ma Thuột được 30 triệu đồng, cộng với số tiền vay mượn người thân được gần 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại theo mô hình kinh tế trang trại tổng hợp nuôi heo thịt, ngan, gà. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên năm đầu tiên trừ chi phí các loại, anh hạch toán chỉ còn được thu lãi 20 triệu đồng, con số khá nhỏ so với những gì anh đầu tư. Không nản chí anh bắt đầu quy hoạch lại khu chuồng trại chăn nuôi hợp lý, với 2 ô chuồng anh thường xuyên nuôi 11- 15 con heo thịt, khu vực khác thì nuôi trên 200 con gà, gần 50 con ngan đẻ trứng. Vừa làm vừa học hỏi, quy trình chăm sóc, chọn giống, phòng bệnh đến chọn thời điểm chăn nuôi phù hợp với thị trường tiêu thụ, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình làm kinh tế này, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, Y Niêôl còn là người năng động, nhiệt tình hay tham gia công tác đoàn, đội trên địa bàn. Đầu năm 2014 vừa qua anh được người dân tin tưởng bầu làm Buôn phó kiêm Buôn đội trưởng buôn Alê A. Trên cương vị này anh đã đứng ra phối hợp với các đoàn thể của phường kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, vận động người dân trong buôn giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều hội nghị tập huấn, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, nhất là các đoàn viên thanh niên trong buôn, cùng tham gia phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc