Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa ứng xử sau ly hôn

20:07, 21/09/2014
Không nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn có thể cư xử với nhau như những người bạn bình thường. Những mâu thuẫn trong quá trình chung sống – nguyên nhân chủ yếu khiến cuộc hôn nhân tan vỡ - đã khiến nhiều người coi vợ/chồng cũ như những kẻ tồi tệ đáng ghét, từ đó dẫn đến cách cư xử với nhau không mấy văn hóa.

Lấy nhau ở tuổi đã khá muộn mằn, những tưởng anh H. và chị P. (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) đã đủ chín chắn để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Song rất nhiều mâu thuẫn đã phát sinh trong cuộc sống vợ chồng. Anh H. ham vui, thích nhậu nhẹt khiến chị P. chán nản, nhiều hôm ngủ lại luôn nơi bán hàng mà không về nhà. Nghĩ rằng vợ bồ bịch, ngoại tình, anh H. đưa đơn ra tòa ly dị, nhận nuôi luôn cả hai cô con gái và tìm cách để không chia cho vợ chút tài sản nào. Ly hôn xong, anh cấm con gặp mẹ vì sợ “người vợ hư hỏng sẽ làm hư con”. Chưa hết, mỗi khi gặp mặt gia đình, người thân trong nhà lại xúm vào nói xấu vợ cũ của anh H. Mỗi lần như thế, hai cô con gái của anh H. lại buồn rười rượi. Với anh T. và chị A. (phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột), ai cũng bảo hai người là một cặp “trai tài gái sắc”. Dù yêu nhau vài năm mới đi đến hôn nhân song hai người lại nhanh chóng ly hôn sau một thời gian chung sống ngắn ngủi. Chị A. trở về nhà mẹ đẻ cùng cô con gái chưa tròn năm. Không rõ nguyên nhân ly hôn thực sự là gì song gặp ai, chị A. và người thân trong gia đình cũng nói xấu chàng rể hết lời, nào là “không biết cách ăn ở”, “không đáng mặt đàn ông”… Thậm chí, chia tay đã được vài năm song cứ nghe tin chồng cũ có bạn gái là chị A. lại tìm cách nói xấu anh T. với bạn gái, hoặc là nhắn tin miệt thị, xúc phạm người có ý định đến với anh T. Với cô con gái nhỏ đang ở độ tuổi bi bô tập nói, cứ nhắc đến cha là chị A. lại tỏ ý khinh thường và nói những câu đại loại như: “Ba bỏ con đi theo gái rồi”, “Ba mày chẳng ra gì, nhắc đến làm gì”(!?). Thái độ của chị A. khiến anh T. dần dần mất đi cả sự tôn trọng với vợ cũ, anh chán đến nỗi rất lâu không ghé thăm con bởi không muốn nghe những lời nhiếc móc bóng gió của vợ cũ và người thân bên ngoại.

Có thể nói, trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp xảy ra như kể trên. Một thẩm phán từng xét xử rất nhiều vụ ly hôn cho biết: Hầu hết các đôi vợ chồng dẫn nhau ra tòa ly hôn thì đã trải qua một thời gian khá dài không hài lòng hoặc buồn phiền vì nhau. Vì thế, khi đưa nhau ra tòa, họ thường tìm cách để “hạ thấp” người chồng/vợ của mình bằng cách liệt kê những tính xấu hoặc lỗi của nhau. Chưa hết, việc phân chia tài sản chung cũng khiến nhiều cặp vợ chồng ra sức tranh cãi để được phần hơn về mình mà nhiều người vẫn đùa là “đến chổi cùn, giẻ rách cũng chia”, khiến người ngoài không thể tưởng tượng được rằng họ đã từng có thời gian yêu thương, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp mâu thuẫn đã bị đẩy lên đỉnh điểm khiến người chồng đã ra tay hành hung, sát hại chính vợ cũ của mình. Năm 2012, người dân xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) đã xôn xao về vụ việc một người chồng dùng dao đâm vợ cũ tổn hại đến 60% sức khỏe. Anh C. và chị T. lấy nhau 14 năm và có hai con thì ly hôn. Chị T. nhận nuôi các con. Do người chồng cũ thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn nên chị không muốn các con gặp cha. Một ngày tháng 7-2012, sau khi đi nhậu về, C. đã tìm đến nhà chị T. để xin đưa con về nhà mình chơi nhưng chị T. không đồng ý dẫn đến cãi vã và C. đã rút dao đâm vợ cũ. Hành vi bạo lực của C. đã khiến anh này phải chịu án 13 năm tù. Gần đây hơn là vụ việc xảy ra tại xã Ea Toh (huyện Krông Năng). Dù đã ly hôn song anh Đ. luôn cho rằng người vợ cũ của mình là chị N. chưa trả đủ tiền chia tài sản ly hôn. Cuối năm 2013, anh Đ. đã tìm đến rẫy của vợ cũ, dùng dao uy hiếp chị trả tiền, ép chị N. phải viết giấy bán xe cho mình. Chị N. không chịu nên đã bị Đ. dùng dao đâm liên tiếp vào người. Đ. đã phải chịu hình phạt 19 năm tù về tội giết người và cướp tài sản.

Có ý kiến cho rằng, văn hóa ứng xử giữa vợ/chồng sau khi ly hôn đòi hỏi rất nhiều từ nhận thức của người trong cuộc. Dễ thấy, tâm sinh lý và thái độ với cuộc sống của những đứa con trong gia đình có bố mẹ đã ly hôn bị ảnh hưởng rất nhiều. Thực tế cho thấy, cũng có không ít cặp vợ chồng sau khi đã chia tay, dù không thể cư xử với nhau bình thường như trước song vẫn tỏ thái độ tôn trọng nhau trước các con và cùng chung tay chăm lo cho các con để chúng không thiếu tình thương của bố hay mẹ. Trường hợp của chị V. (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ. Chị V. chia tay người chồng cũ sau hơn chục năm chung sống và nhận nuôi hai đứa con. Dù chẳng ưa gì người chồng tệ bạc, vô trách nhiệm với gia đình, song chị V. không bao giờ nói xấu cha trước mặt các con; ngược lại, chị luôn tạo điều kiện để cha con gần gũi nhau. Thậm chí, mỗi khi gia đình bên nội có việc gì như giỗ chạp, hiếu hỉ, chị đều đưa các con về cùng tham gia, bản thân chị cũng vẫn chu toàn trách nhiệm như còn là dâu con trong nhà. Hoặc trường hợp chị Th. (huyện Krông Pak), dù chịu đựng nhiều tủi nhục do người chồng cũ gây ra song chị vẫn xác định “anh ta không còn là chồng mình nhưng vẫn là cha của con mình”. Vì thế, chị vẫn vui vẻ, cư xử bình thường mỗi khi chồng cũ đến thăm con; thậm chí mùa hè vừa qua, chị còn đồng ý để anh đưa con về miền Bắc thăm quê cả tháng liền. Cả chị V. và chị Th. đều đặt con cái lên trên hết bởi “chúng đã thiếu may mắn khi có một gia đình mà bố mẹ không cùng chung sống nên phải cố gắng để các con không bị tổn thương vì cách cư xử của người lớn”.

Hải Hà


Ý kiến bạn đọc