Multimedia Đọc Báo in

Chụp hình đắt sô mùa cưới

12:23, 25/10/2014

Những tháng cuối năm thường được gọi là mùa xây nhà, cưới hỏi, và cũng là mùa ăn nên làm ra của các dịch vụ ăn theo như chụp hình, quay phim, cho thuê rạp cưới, âm thanh, bàn ghế…

Anh Nguyễn Tuấn, chủ một studio trên đường Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trước đây hình cưới thường là hình được chụp trong phòng theo bố cục cô dâu tựa đầu vào vai chú rể, mắt cùng nhìn về một hướng, nay chuyển sang ngoại cảnh dưới hình thức “kể chuyện bằng hình ảnh”, trong đó bối cảnh, không gian, địa điểm chụp hình thường là cảnh tự nhiên, thậm chí là các thắng cảnh khu du lịch. Vậy nên một album bao trọn gói từ váy cưới, trang điểm, đi lại, hình ảnh… có giá 2,5 - 20 triệu đồng; mỗi tháng, anh nhận 15 – 20 bộ ảnh cưới, riêng ba tháng cuối năm thường cao gấp đôi. Còn anh Trần Quang Khải, chủ một studio trên đường Phan Chu Trinh, mặc dù chụp hình album đã có học trò và các đồng nghiệp đảm nhận nhưng đầu tháng tới nay, ngày nào anh cũng phải chạy sô, sáng huyện này, chiều tối huyện kia. Anh cho biết, nghề này tùy thuộc rất nhiều vào khách hàng, mùa đông khách thì chạy sô cả ngày, mùa vắng lại ngồi không gần như cả tháng; do vậy, cứ có khách hỏi là bên cửa hàng nhận rồi chuyển cho đồng nghiệp cùng làm. Thường thời điểm cuối năm anh phải nhờ một số đồng nghiệp dưới huyện lên để chụp hình cho khách, thuê thợ photoshop hoặc thức trắng đêm làm hậu kỳ để ngày hôm sau chạy theo đám khác. Mỗi đám cưới là một cô dâu, chú rể khác nhau mình chưa hề biết, chưa quen mặt, thậm chí có những hôn lễ gia đình hai bên không đồng thuận hoặc cô dâu chú rể bị ép cưới rất khó chụp được bức hình đẹp. Do vậy, kỹ năng đầu tiên của nghề này là phải biết giao tiếp, làm quen, biết tạo không khí sôi nổi cho cả đám đông. Bên cạnh đó, người thợ nhiếp ảnh giống như đạo diễn của một lễ cưới nên bắt buộc phải có các kiến thức về văn hóa cưới hỏi của các tôn giáo, dân tộc, vùng miền để ghi hình theo đúng tục tệ bởi lễ cưới liên quan đến một đời người nên khách hàng rất cầu toàn.
Tạo kiểu hình cưới trong một cảnh chụp trên đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột.
Tạo kiểu hình cưới trong một cảnh chụp trên đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột.

Chị Thanh Nhàn, chủ một studio áo cưới tại xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) thì cho hay, tùy vào từng gói dịch vụ mà lợi nhuận khác nhau từ 300.000– 3.000.000 đồng/sô/ngày, nhiều người thấy lời lớn nên đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy hình, váy cưới, xây dựng studio…, nhưng phải sớm bỏ nghề vì vắng khách. Tuy đơn giản, nhưng để có một bức hình đẹp cần phải có ê kíp làm việc nhuần nhuyễn từ 3-5 người: trang điểm, bấm máy, ánh sáng… Người bấm máy phải dành thời gian lên mạng hoặc gặp gỡ đồng nghiệp để học nghề, cập nhật các mẫu váy cưới, quần áo thời trang, kiểu tóc, tư thế chụp sao cho phù hợp với từng khách hàng để hạn chế khuyết điểm, tôn vinh nét đẹp riêng của từng người. Trước đây, trong đám cưới cô dâu bắt buộc phải mặc áo sơ mi trắng, quần tối màu hoặc váy cưới màu trắng, tượng trưng cho sự trong sáng, trinh tiết của người con gái, nhưng nay quan niệm này đã thay đổi. Xu hướng váy cưới không còn là váy xòe cổ điển màu trắng thuần khiết nữa mà cách điệu đủ kiểu: cúp ngắn, váy xòe, dạ hội, đuôi cá, lệch vai, trễ vai… đa sắc xanh, đỏ, tím, vàng… kèm theo những trang phục đời thường như áo phông, sơ mi cặp, nón quai thao, áo dài, áo tứ thân… Theo đó, người chụp ảnh cũng phải ghi lại đầy đủ cho khách hàng.

Cũng giống như chị Nhàn, anh Tuấn, 24 năm làm nghề của anh Khải không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà còn gặp những sự cố cười ra nước mắt như đi làm vội, quên mang phim, chụp mà không có phim, ráp phim bị tuột hay thẻ nhớ bị vi rút ăn, rơi thẻ… cuối buổi phải năn nỉ gia đình diễn lại để chụp!

Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, cùng với đó nhu cầu chụp hình lễ cưới, sinh nhật, album thời trang… ngày càng tăng lên nên nghề này đang trở thành nghề hot, được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc