Multimedia Đọc Báo in

Điều đọng lại sau Hội thi "Kỹ năng giao tiếp khách hàng" ngành Điện

09:15, 08/10/2014
Hội thi kỹ năng giao tiếp khách hàng năm 2014 do Công ty Điện lực Dak Lak tổ chức vừa đi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong lòng người xem.
 
Với 16 đội, gần 100 thí sinh đến từ các điện lực trực thuộc, Hội thi đã tạo nên không khí sôi nổi, phấn chấn cho những người trong ngành, cũng như góp phần củng cố niềm tin, tạo dựng hình ảnh của ngành đối với khách hàng.
Tiểu phẩm tham gia dự thi phần chào hỏi của Điện lực  Krông Bông để lại ấn tượng cho người xem.
Tiểu phẩm tham gia dự thi phần chào hỏi của Điện lực Krông Bông để lại ấn tượng cho người xem.

Ở phần thi chào hỏi, mỗi tiểu phẩm là một câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày mà nhân viên làm công tác giao tiếp khách hàng thường gặp như thắc mắc của khách hàng về tiền điện của gia đình mình nhiều, công tơ chạy nhanh, giá cao; trình tự, thủ tục cấp điện ở nơi mới chuyển nhà đến… Với hình thức sân khấu hóa, các kịch bản tự biên tự diễn nhưng được các diễn viên nghiệp dư trình bày khá ấn tượng, qua đó, gửi gắm nhiều thông điệp nhẹ nhàng về thái độ tôn trọng, hành vi ứng xử, giao tiếp… của nhân viên ngành điện với khách hàng, nhất là những khách hàng “khó tính”. Đáng chú ý là tiết mục “Tiền điện Online” của Điện lực Buôn Hồ đã gây được sự chú ý của người xem, hay như Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột, với tiểu phẩm “949 và 888” đã để lại ấn tượng đẹp về một cán bộ ngành điện với khách hàng khi đề cao sự lịch thiệp, nhẹ nhàng thông qua việc giải quyết những công việc nhỏ nhất, bình thường nhất hằng ngày như nhà bị mất điện, khách hàng tìm đến trụ sở công ty để thông báo tình hình, khi chưa kịp về đến nhà thì nhân viên điện lực đã có mặt kịp thời để khắc phục sự cố.

Qua đó, giúp người xem cảm nhận được công việc dù gian khó của người thợ điện song vẫn không thể thiếu tinh thần tận tụy và thái độ giao tiếp văn minh, lịch sự, trong đó, “luôn giữ nụ cười trên môi là điều không thể thiếu trong kinh doanh”. Điều đáng nói là hội thi lần này, có nhiều tình huống “tế nhị” không ngại ngần được “phơi bày”, chẳng hạn như những sự việc người dân bức xúc vì công tơ chạy nhanh, đẩy số tiền điện hằng tháng lên cao qua tiểu phẩm dự thi “Giao tiếp khách hàng” của Điện lực Ea Kar. Trái ngược với sự nóng nảy, bức xúc của khách hàng là thái độ niềm nở, ôn tồn của cán bộ ngành điện đã kịp thời kiểm tra và giải thích cho khách hàng rõ biểu giá bán điện theo bậc thang, đồng thời, gợi ý cho khách hàng tham khảo cách kiểm tra công tơ độc lập nếu thấy không thỏa đáng. Điều này đã góp phần xóa bỏ định kiến của người dân về một ngành “độc quyền”, nhưng không hề coi nhẹ văn hóa ứng xử trong kinh doanh.

Nhiều người xem ấn tượng với tiểu phẩm “Điện về bản em”  của Điện lực Lak.
Nhiều người xem ấn tượng với tiểu phẩm “Điện về bản em” của Điện lực Lak.

Trong phần thi xử lý tình huống, Ban Giám khảo đóng vai là một khách hàng bất kỳ gọi điện đến số điện thoại trực của điện lực, với các tình huống cụ thể để kiểm tra kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng xử lý tình huống của thí sinh. Bằng vốn kiến thức, sự hiểu biết và khả năng ứng xử nhanh, các thí sinh đã đưa ra cách giải quyết thông minh, sáng tạo luôn mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Theo ông Lê Hoài Nhơn - Phó  Giám đốc Công ty - Trưởng ban tổ chức hội thi thì điều đáng ghi nhận tại hội thi lần này là không phải chỉ dàn dựng các tiết mục mang tính chất “biểu diễn”, thi thố căng thẳng mà các thí sinh đã nắm khá chắc về kiến thức chuyên môn. Hơn nữa, hầu hết thí sinh dự thi đều là nhân viên đang làm công tác kinh doanh, giao tiếp khách hàng, điều này tác động tích cực đến việc rèn luyện tác phong làm việc, ứng xử, xây dựng mối quan hệ tốt, hài hòa giữa nhân viên với khách hàng, đúng như câu khẩu hiệu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Có thể nói, 16 đội dự thi lần này với 16 câu chuyện được dàn dựng công phu đã đem đến cho hội thi đa sắc màu về nội dung lẫn hình thức, góp phần đề cao nét đẹp văn hóa trong ngành điện, qua đó, tạo được hiệu ứng tích cực trong cán bộ, công nhân viên của ngành về nhận thức văn hóa doanh nghiệp.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc