Những bất cập trong xử lý chất thải y tế (Kỳ I)
Hiện nay, trong nhiều nguồn xả thải ra môi trường, chất thải y tế đã và đang được coi là nguồn thải vô cùng độc hại. Theo nhận định của nhiều chuyên gia môi trường, nếu không được xử lý tốt, chất thải y tế có thể gây tác hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý và xử lý nguồn thải y tế một cách đồng bộ, triệt để là vấn đề hết sức khó khăn đối với các cơ sở y tế trên địa bàn.
Kỳ I: Gian nan xử lý chất thải y tế
Nhiều năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phân loại, thu gom chất thải rắn y tế cũng như phân loại nước thải, nhưng khâu xử lý còn rất hạn chế.
Ngổn ngang nguồn thải y tế
Theo báo cáo của ngành Y tế, toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở khám chữa bệnh, 4 cơ sở thuộc hệ y tế dự phòng và 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn (chưa kể hệ thống y dược tư nhân). Tất cả các cơ sở này đều có nguồn xả chất thải y tế ra môi trường hàng ngày. Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng lượng chất thải rắn lây nhiễm được thải ra từ các cơ sở này là trên 210 tấn và tổng lượng nước thải phát sinh là 372.611m3. Với nguồn thải khổng lồ này, nếu không được xử lý đúng quy trình sẽ có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Bởi, theo Quy chế quản lý chất thải y tế (Bộ Y tế), khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Đồng thời, việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không bảo đảm đó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.
Nhân viên vệ sinh của Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 phân loại rác trước khi xử lý. |
Trong khi đó, đến hết tháng 6-2014, trong số 23 cơ sở khám chữa bệnh và 4 cơ sở thuộc hệ y tế dự phòng nói trên chỉ có 7 cơ sở sử dụng lò đốt hai buồng có hệ thống xử lý khí thải; 14 cơ sở sử dụng lò đốt một buồng và lò đốt thủ công; đặc biệt, 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều không có lò đốt chất thải rắn y tế mà chủ yếu là sử dụng biện pháp chôn lấp hoặc đào hố để đốt. Qua tìm hiểu tại một số cơ sở y tế cho thấy, việc xử lý chất thải rắn y tế ở những nơi có lò đốt thủ công, khi lượng rác thải vào nhiều sinh ra khói đen và có mùi rất khó chịu. Thậm chí, ngay cả với những cơ sở có lò đốt bảo đảm đúng quy chuẩn thì sau khi đốt, tro từ lò đốt lại được chôn lấp hoặc xử lý như rác thải thông thường. Theo các nhà quản lý môi trường, cách xử lý này khiến chất thải y tế không bảo đảm yêu cầu khi thải ra môi trường và phát sinh nhiều vi trùng bệnh. Như vậy, việc tiêu hủy sau cùng chất thải rắn y tế hầu như không được kiểm soát.
Không chỉ riêng chất thải rắn y tế bị ách tắc trong khâu xử lý mà ngay cả việc xử lý nước thải y tế cũng còn bất cập. Trong số các cơ sở y tế nói trên chỉ có 20 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế. Số còn lại chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải nên nhiều nơi vẫn phải xả nước thải y tế vào hệ thống xả thải chung với nước thải sinh hoạt. Mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành, để theo dõi chất lượng nước thải nói chung và nước thải y tế nói riêng, các cơ sở phải có trách nhiệm tự quan trắc và báo cáo kết quả với cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng. Tuy nhiên, trên thực tế ở tỉnh ta, chỉ có 20 cơ sở trong khối khám chữa bệnh thực hiện quan trắc môi trường, giám sát môi trường định kỳ đối với nước thải nhưng lại có đến 13 cơ sở trong số này có kết quả không đạt theo quy định.
Khó xử lý triệt để
Rõ ràng, thực trạng nguồn thải ở các cơ sở y tế trên địa bàn cho thấy muốn xử lý triệt để chất thải y tế không phải là chuyện muốn là làm được ngay, nhất là khi ngành Y tế đang thực hiện chủ trương mở rộng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng nghĩa với khối lượng chất thải y tế của tỉnh sẽ ngày càng tăng lên. Mặc dù, từ năm 1999, khi Quyết định 43 của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế ra đời, Sở Y tế đã triển khai các quy định về phân loại, thu gom và xử lý rác thải y tế đến các cơ sở y tế thông qua việc tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Thế nhưng, đến thời điểm này, vấn đề xử lý chất thải y tế tại các cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những bất cập hiện nay của tình trạng nước thải y tế không đạt chuẩn là do trước đây, các hệ thống xử lý nước thải bệnh viện được phép thải ra môi trường loại nước thải đạt loại B theo TCVN-1995. Nhưng đến năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nước thải y tế đổ ra sông, kênh rạch phải đạt chuẩn loại A. Việc này khiến nước thải của nhiều bệnh viện không đạt yêu cầu. Trong khi đó, để nâng cấp nước thải từ loại B lên A là rất khó khăn và tốn kém. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để có được loại nước thải y tế xả ra môi trường đạt quy định, Bệnh viện đã trang bị hệ thống xử lý nước thải y tế ứng dụng công nghệ hiện đại trị giá 13 tỷ đồng. Sau khi hệ thống vận hành, Bệnh viện đã làm hồ sơ đề nghị chứng nhận cơ sở hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, song đến thời điểm này, Bệnh viện vẫn chưa được công nhận vì nước thải y tế của bệnh viện vẫn chưa đạt được loại A. Lý giải về điều này, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Y Bliu Ajun cho biết: “Theo kết quả thẩm định hồ sơ của Bệnh viện, trong số các chỉ tiêu đối với nước thải y tế thì chỉ tiêu về hàm lượng amoniac vẫn cao hơn ngưỡng cho phép. Vì vậy, đơn vị chúng tôi chưa thể “thoát” ra khỏi Quyết định 64 về xử lý triệt để ô nhiễm môi trường”.
Đưa chất thải rắn y tế vào lò đốt để xử lý tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn. |
Đó là với việc xử lý nước thải y tế, còn công nghệ xử lý chất thải rắn y tế ở các cơ sở y tế trên địa bàn thì vẫn còn lạc hậu. Hầu hết phương pháp xử lý chất thải rắn y tế tại các cơ sở thực hiện chủ yếu bằng lò đốt, nhưng số lò đốt hiện đại, đạt tiêu chuẩn môi trường còn ít. Khảo sát tại một số bệnh viện trên địa bàn thấy rằng, ngoài lò đốt theo công nghệ hấp tiệt trùng bằng hơi nước và nhiệt độ cao với công suất khoảng 150kg, đa số đều sử dụng các lò đốt công suất nhỏ và trung bình, hoặc lò đốt thủ công để phục vụ xử lý chất thải tại chỗ. Trong số đó, nhiều lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải, nên không thể kiểm soát được các khí thải độc hại xả ra môi trường.
Được biết, ngày 15-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 238 phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong số những mục tiêu cụ thể của Đề án có 2 tiêu chí đặt ra cho các cơ sở phát sinh chất thải y tế (cơ sở y tế), đó là đến năm 2015 phải bảo đảm 100% các chủ nguồn thải có hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ an toàn; tất cả nhân viên được tập huấn phù hợp và có đủ phương tiện lao động; 100% chủ nguồn thải chính phải có cơ cấu tổ chức, cán bộ chuyên trách được đào tạo và có chương trình theo dõi giám sát. Đến thời điểm này, chỉ hơn 2 tháng nữa là bước sang năm 2015, song với thực tế công tác xử lý chất thải y tế của các cơ sở đang còn nhiều bất cập thì việc hiện thực hóa những mục tiêu này là rất khó.
(Còn nữa)
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc