Văn hóa gia đình và sự tác động đến nhân cách học sinh
Văn hóa gia đình là toàn bộ hệ thống những giá trị và chuẩn mực để từ đó điều tiết và duy trì các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như quan hệ giữa gia đình và xã hội trong một điều kiện phát triển nhất định. Với vai trò là tế bào của xã hội, là hạt nhân của đời sống cộng đồng, văn hóa gia đình trở thành nền tảng hình thành một xã hội tốt đẹp, có trình độ văn hóa phát triển cao và đóng góp thiết thực cho sự duy trì các quan hệ văn hóa khác. Hồ Chủ tịch cũng là người rất quan tâm đến vai trò thiết yếu trong xây dựng văn hóa gia đình, vì thế Người từng nhấn mạnh: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Việc xây dựng văn hóa gia đình phát triển chính là cơ sở để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây chính là trên nền tảng của văn hóa gia đình ấy, nhân cách của người học sinh được hình thành và phát triển, theo chiều hướng nào là phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa gia đình.
Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy học sinh nhiều thế hệ suốt gần hai mươi năm qua, tôi nhận thấy rằng, văn hóa gia đình đã quyết định và xác lập tư cách một người học trò trong hiện tại và ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy, tình cảm và hành động của họ trong tương lai; văn hóa gia đình góp phần định hướng giáo dục cho các em hình thành nhân cách. Điều ai cũng thấy, chính gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và chi phối nhiều nhất. Qua các mối quan hệ đối xử của ông bà, cha mẹ, anh chị em trong một gia đình, một đứa trẻ lớn lên sẽ là người tiếp xúc đầu tiên. Từ cách ăn nói, tiếp xúc, dạy bảo của người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ, sẽ dần dần ảnh hưởng đến người học sinh khi tiếp xúc với thầy cô, bè bạn của mình sau này trong môi trường giáo dục học đường. Vì vậy, giáo dục gia đình như thế nào sẽ hình thành cho đứa trẻ lớn lên có một văn hóa ứng xử như thế ấy, tất nhiên không thể loại trừ nhiều học sinh vẫn có nhân cách tốt dù thiếu sự dạy dỗ, bảo ban của ông bà, cha mẹ. Sự tự rèn luyện ấy chỉ xuất hiện ở những học sinh biết tự lập và có một căn tính tốt đẹp bẩm sinh, còn hầu hết phần lớn đều phải thông qua giáo dục của gia đình. Vì vậy văn hóa gia đình là rất quan trọng đối với mỗi người, nhất là hình thành nhân cách học sinh khi các em chưa có điều kiện hiểu biết về mình, về xã hội. Tình yêu thương, đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi của những người thân yêu trong gia đình là tấm gương để mỗi học sinh tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn trong đời sống học đường. Ai không được sống trong tình yêu và sự chăm sóc của gia đình là một nỗi bất hạnh lớn. Được sống trong tình yêu thương của gia đình, mỗi người dễ dàng hoàn thiện bản thân mình hơn, nhất là các em học sinh ngày càng hoàn thiện nhân cách từ cuộc sống hiện tại cho đến tương lai sau này. Đây chính là điều kiện để xây dựng con người mới trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ hiện nay của đất nước.
Hình thành nhân cách của mỗi con người, nhất là đối tượng học sinh trong xã hội ngày nay là vấn đề được sự quan tâm của tất cả các ngành, các cấp. Gia đình, nhà trường và xã hội là ba trụ cột chính để rèn luyện và đào tạo nhân cách học sinh phát triển lành mạnh. Tuy vậy, uốn cây phải uốn ngay từ nhỏ, giáo dục con người phải bắt đầu từ tấm bé, nên văn hóa gia đình trước sau vẫn là tác nhân chính để hình thành nhân cách tốt đẹp, tích cực cho học sinh, góp phần tạo nên một thế hệ vừa có đức, vừa có tài và bản lĩnh để cống hiến cho Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc