Multimedia Đọc Báo in

Hậu phương vững chắc trong thời bình

09:37, 20/10/2014

Thêm một mùa lễ 20-10 (Ngày Phụ nữ Việt Nam), các chị vẫn một mình tảo tần lo công việc, thủy chung với người chồng đang công tác xa, vất vả chăm con khôn lớn, học giỏi… Không hoa, lại hiếm khi ở bên nhau trong những ngày lễ, Tết, nhưng lời động viên, quan tâm của các anh đã đủ sưởi ấm lòng hậu phương xa!

Cùng xây dựng hạnh phúc gia đình hơn 12 mùa hoa, những kỷ niệm từ ngày đầu gặp gỡ đến bây giờ Đại úy Nguyễn Hoài Nam, Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 7 (Trung đoàn Bộ binh 95, Sư đoàn 2) vẫn nhớ như in. Chuyện là, thôn nữ Nguyễn Thị Ánh Tuyết và chàng hàng xóm Nguyễn Hoài Nam (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chơi với nhau từ thời còn tấm bé. Ngày anh đi bộ đội ở Sư đoàn 315 (Quân khu 5), hai người thường xuyên viết thư, động viên nhau cố gắng làm việc, học tập. Chính nhờ những cánh thư mỏng manh đó mà tình cảm hai người thêm gắn bó, yêu thương. Hết thời gian nghĩa vụ quân sự, anh Nam được cử đi học ở Trường Quân sự Quân khu 5, sau đó về công tác tại Ban CHQS huyện Trà My (một huyện biên giới của tỉnh Quảng Nam). Sau hơn 3 năm cùng vượt qua thử thách tình yêu, anh chị quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Yêu xa, cưới nhau rồi cũng ở xa, vì nhiệm vụ nên anh ít khi về nhà, nhưng đã chọn anh, chị yêu luôn công việc của chồng. Khi con trai Nguyễn Hoài Nam Duy gần 3 tuổi, anh Nam tiếp tục đi học ở Hà Nội đằng đẵng 3 năm dài, liền sau đó anh về công tác ở Trung đoàn Bộ binh 95. Tủi thân nhất với chị là khoảng thời gian bụng mang dạ chửa, một mình sinh con, chăm lo gia đình hai bên nội ngoại… nhưng rồi tất cả khó khăn chị cũng vượt qua, vì dù ở xa, nhưng anh luôn động viên, yêu thương. Đến nay, Nam Duy đang học đến lớp 7 và liên tục là học sinh giỏi, được thầy cô bạn bè yêu mến. Chị Tuyết chia sẻ, nhiều lúc nghe điện thoại của anh, chị rơm rớm nước mắt bởi tủi thân, nhớ chồng… Nhưng vì mỗi năm anh về phép được hơn tháng nên vợ chồng lúc nào cũng quấn quýt, gần gũi như hồi đầu mới cưới… “Góp gạo” hơn 12 năm là chừng đó thời gian chị càng yêu, hiểu công việc của chồng và biết sẽ vắng anh trong những ngày lễ quan trọng. Chính vì vậy, dịp lễ, Tết, những lời động viên, nhắn nhủ yêu thương của anh trở thành món quà ý nghĩa và thường xuyên nhất mà chị nhận được…
 Chồng công tác xa, chị Mộng Trào một mình  chăm nom 2 đứa con nhỏ, trong đó bé Thành Tâm  mới hơn 1 tháng tuổi.
Chồng công tác xa, chị Mộng Trào một mình chăm nom 2 đứa con nhỏ, trong đó bé Thành Tâm mới hơn 1 tháng tuổi.

Cũng như trường hợp chị Tuyết, chị Tài Thị Mộng Trào, người dân tộc Chăm, ở xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) - vợ Thượng úy Đạo Dương Toàn, Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn Bộ binh 8 (Trung đoàn Bộ binh 95) cũng thay chồng gánh vác công việc hai bên nội ngoại hơn 3 năm nay. Mới cưới nhau 6 tháng, chàng sĩ quan trẻ, người dân tộc Chăm tiếp tục học thêm văn bằng hai tại Trường Sĩ quan Chính trị ở Bắc Ninh. Mỗi lần được nghỉ phép, anh về thăm chị chưa kịp nóng chỗ đã phải xách ba lô lên đường ra Bắc học tập. Anh tâm sự: “Thời gian anh đi học cũng là lúc chị đang mang bầu. Vợ bị ốm nghén mấy tháng đầu, không ăn uống được, trong lúc mình lại ở xa, nên thấy thương vợ nhiều hơn. Mỗi lần gọi điện về, cô ấy hay tủi thân lắm, nhưng chỉ một lúc sau vợ đã động viên ngược lại mình, bắt mình hứa phải học tốt, không phụ lòng mong mỏi của người thân, gia đình”. Giờ đây, anh Toàn đã nhận công tác ở Trung đoàn Bộ binh 95 được hơn 1 năm, thời gian anh về nhà thăm vợ con, gia đình lại càng hạn hẹp. Mặc dù phải cáng đáng việc gia đình thay chồng, bận rộn công việc cơ quan, nhưng chị Trào vẫn tranh thủ lên thăm anh được 2 lần và không ngớt lời khen ngợi về đơn vị chồng đang công tác. Chị nói giọng đầy hạnh phúc: “Ngay từ thời yêu nhau, mình đã được anh “rèn” cảm xúc cho rồi, đó là chấp nhận sẽ vắng chồng thường xuyên. Mình tự hào lắm, vui vì được chung sống với anh, niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được”. Sau hơn 3 năm gắn bó, anh chị đã có với nhau hai cháu, bé lớn 3 tuổi và bé sau hơn 1 tháng tuổi… Thay vì không mua được hoa tươi tặng vợ trong Ngày Phụ nữ Việt Nam, anh Toàn lại gửi quà cho chị bằng đường bưu điện. Hằng ngày, chiếc điện thoại là cầu nối để anh chị gặp gỡ, chia sẻ công việc và tình cảm cách xa.

Với những người bạn đời trăm năm của sĩ quan quân đội, đặc biệt những cô dâu mới bước về nhà chồng hơn nửa tháng đã phải tạm xa chồng khiến họ không khỏi nhung nhớ, tủi thân. Kể lại câu chuyện tình yêu của mình, Thượng úy Phạm Văn Công, Phó Đại đội trưởng Đại đội 7 (Tiểu đoàn Bộ binh 8, Trung đoàn Bộ binh 95) nhớ rành rọt từng chi tiết. Chuyện là, anh Công và chị Nguyễn Thị Hồng Chuyên, phường Đức Lâm, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) vốn là bạn chung trường từ thời tiểu học đến cấp 3, anh trước chị một khóa. Năm tốt nghiệp THPT, anh theo học Trường Sĩ quan Lục quân 2, rồi về nhận công tác ở Trung đoàn Bộ binh 95. Đến nay, hơn 10 năm theo binh nghiệp, số lần anh về nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nhưng cũng từ những lần đó, chị và anh gặp gỡ, lúc đầu chỉ là bạn bè, rồi họ hiểu, yêu nhau vài năm, trước khi quyết định xây tổ ấm. Nói sống chung, nhưng phần lớn thời gian chị Chuyên phải cáng đáng, làm trọn đạo hiếu hai bên nội ngoại thay chồng. Nhắc đến người vợ phương xa, anh Công xúc động: “Lấy bộ đội làm chồng thiệt thòi nhiều thứ lắm, nhất là những người phải công tác xa nhà. Những ai không cảm thông cho công việc của mình, thì khó mà sống với nhau lâu dài. Với tôi, ngoài việc cố gắng công tác tốt, việc thăm hỏi, quan tâm mỗi ngày là cách bù đắp tình cảm cho cô ấy”. Thương vợ, mỗi lần về phép, anh lại cùng bà xã đi mua sắm vật dụng trong nhà, giúp vợ sửa điện, nước… Ngày lễ 20-10 cận kề, anh cũng kịp chuyển bằng bưu điện gói quà về tặng vợ, thay cho lời muốn nói dù cách xa nhau nhưng tình cảm của cả hai vẫn luôn mãi đong đầy!..

Khó nói hết bằng lời những khó khăn của hậu phương người chiến sĩ, chỉ biết rằng ai cũng son sắt một lòng, thay chồng lo lắng công việc gia đình, chăm sóc con ngoan. Có những lúc cha mẹ già, con ốm đau, công việc cơ quan bận rộn… các chị phải gồng lên gánh vác. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, thiếu thốn, các chị vẫn thủy chung, vẹn toàn, là hậu phương vững chắc để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.