Multimedia Đọc Báo in

Ăn nên làm ra với nghề... rửa xe

08:55, 16/11/2014
Mới sớm ngày, tiệm rửa xe của anh Trần Quốc Định (đường Y Wang, TP. Buôn Ma Thuột) đã có 4-5 lượt khách ngồi đợi. Mùa mưa, cũng là thời điểm không chỉ tiệm anh Định, mà nhiều tiệm khác trên địa bàn thành phố ăn nên làm ra từ dịch vụ này.

Nghề rửa xe không yêu cầu bằng cấp hay trình độ chuyên môn, chỉ cần người rửa có tính cần mẫn, cẩn thận và đầu tư một chút đồ nghề là có thể biến công việc rửa xe thành “nghề” mang thu nhập chính cho gia đình. Có lẽ vì vậy mà ngày càng nhiều tiệm rửa xe đã mọc lên. Đặc biệt là đường Y Wang, con đường được nhiều người dân gọi vui là “phố rửa xe” “con đường bọt tuyết”… của thành phố.

Tiệm của anh Nguyễn Đình Phú thu hút được rất nhiều lượt khách tới rửa xe mỗi ngày.
Tiệm của anh Nguyễn Đình Phú thu hút được rất nhiều lượt khách tới rửa xe mỗi ngày.

Thiết bị đầu tư cho nghề rửa xe cũng không quá đắt đỏ, chỉ cần khoảng 5-7 triệu đồng là có thể sắm đầy đủ dụng cụ cần thiết để hành nghề. Trong đó, máy bơm nước có áp lực lớn, chổi lông để cọ xe, máy nén khí, giẻ lau… là đồ nghề không thể thiếu. Giá cả bình quân để rửa một chiếc xe máy từ 10 - 25 nghìn đồng/chiếc; xe ô tô từ 40 – 60 nghìn đồng/chiếc. Đối với các thợ rửa chuyên nghiệp, làm sạch một chiếc xe máy mất khoảng 10-15 phút, với các thao tác làm ướt, cọ rửa bằng xà bông, bọt tuyết, sấy khô bằng máy nén khí… Trong đó, cần đầu tư nhiều thời gian và phải chú trọng từng chút một là công đoạn cọ rửa. Nhân viên được giao nhiệm vụ rửa xe cần kỹ càng, tỉ mỉ, nhất là chà sạch các vết bẩn trên bề mặt, gầm và các góc gách của xe.

Vào nghề hơn 15 năm nay, ban đầu chỉ đi làm thuê cho tiệm rửa khác, sau dần tích góp được vốn, anh Trần Quốc Định đã tự mở được cho mình một tiệm nhỏ ngay đầu đường Y Wang. Hằng ngày, anh cùng vợ cọ rửa, bơm vá xe cho khách hàng để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và chăm lo 3 người con ăn học. Ban đầu vì không có việc nên mới chọn nghề để làm, nhưng lâu dần thấy “ăn nên làm ra”, cả 2 vợ chồng đầu tư thêm nhiều trang thiết bị mới và chọn nghề này làm ăn lâu dài. Trung bình mỗi ngày, tiệm của vợ chồng anh đón từ 50 – 60 lượt xe, những ngày lễ, Tết có thể đón trên 100 lượt xe.

Vì rửa xe với giá “rất sinh viên”, chỉ 10 nghìn đồng/chiếc, nên tiệm của anh lúc nào cũng đông khách, nhờ thế gia đình anh kiếm được kha khá tiền từ dịch vụ này. “Người ta mang xe tới cho mình rửa có nghĩa là họ tin tưởng vào khả năng của mình rồi. Rửa không kỹ dễ mất uy tín lắm, mà cái nghề này, mất khách xem như sẽ mất hết”- anh Định nói.

Gắn bó với nghề gần 2 năm nay, anh Nguyễn Đình Phú, một thợ rửa xe ở đường Lê Duẩn cho biết, tiệm của anh có 2 thợ chuyên rửa xe cho khách hàng, mỗi ngày tiệm thu hút khoảng 70 – 90 lượt xe, mùa mưa số lượt khách đến với tiệm có thể còn lên tới trên 100. Với giá trung bình 15 nghìn/chiếc, mỗi ngày gia đình anh thu được trên 1 triệu đồng. Anh Phú tâm sự: “Ngoài việc chăm sóc thật kỹ xe cộ cho khách hàng, thì việc xởi lởi, vui vẻ, thân thiện với khách cũng rất cần thiết. Tiệm tôi hiện giờ đã có hơn 80% lượng khách quen mỗi ngày”.

Đi dọc tuyến đường Y Wang, Y Ngông, Lê Duẩn, Mai Hắc Đế… có rất nhiều tiệm rửa xe đầu tư trang thiết bị mới, đẹp để gây sự chú ý cho khách hàng và cạnh tranh làm việc, thậm chí trang bị thêm sách báo, wifi, tivi… cho khách ngồi đợi.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan thì việc phát triển dịch vụ này cũng có mặt trái của nó như: vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Mặc dù một số tiệm đã có hệ thống thoát nước thải nhưng lượng nước rửa vẫn chảy tràn lan ra mặt đường. Bởi vậy thiết nghĩ những cơ sở rửa xe nên đặc biệt lưu ý vấn đề này, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.