Nỗi niềm nhân viên y tế học đường
Cán bộ y tế học đường còn là người trực tiếp triển khai vấn đề bảo hiểm y tế học sinh, đồng thời chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn của trường nội trú hoặc bán trú. Trong tất cả các cuộc thi đấu thể thao, những hoạt động ngoại khóa của thầy và trò đều không thể thiếu sự chăm sóc của cán bộ y tế học đường. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho học sinh, y tế học đường còn có trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho giáo viên những lúc đau bệnh đột xuất khi lên lớp. Dù là người không quyết định trực tiếp đến thành tích dạy - học của nhà trường nhưng cán bộ y tế là thành viên không thể thiếu trong trường học.
Ngoài việc lập kế hoạch hoạt động y tế theo từng “mùa” dịch bệnh, theo dõi diễn biến thực tế của các bệnh có thể bùng phát trong trường học, cán bộ y tế học đường còn là người quản lý hồ sơ y tế của tất cả học sinh trong trường, do đó nắm vững từng trường hợp đặc biệt cần lưu ý. Em nào bị bệnh tim, thấp khớp, dị tật khúc xạ... họ đều nắm rõ và có những tư vấn kịp thời cho giáo viên trong các giờ học chuyên biệt như thể dục, các môn năng khiếu...
Trước đây, khi chưa có nhân viên y tế trường học, một giáo viên phụ trách công tác Chữ thập đỏ của trường kiêm luôn việc của y tế học đường (nhưng cũng chỉ là mua thuốc cho tủ thuốc...). Từ khi chuẩn hóa đội ngũ, mỗi trường đã có nhân viên y tế hưởng lương ngân sách; tuy nhiên vì là lực lượng ít, lại không quyết định trực tiếp đến kết quả giảng dạy - học tập của trường nên cán bộ y tế học đường có nhiều thiệt thòi. Do tính chất công việc, họ không có người để cùng trao đổi học hỏi kinh nghiệm nên không phát huy hết chuyên môn đào tạo. Một số nơi còn bị phân công thêm các công việc khác như: đánh máy văn bản, đưa công văn, nộp báo cáo... So với giáo viên, nhân viên y tế trường học phải làm việc nhiều hơn mà thu nhập lại thấp hơn rất nhiều bởi họ không được hưởng chế độ đứng lớp. Giáo viên còn có những ngày nghỉ soạn bài trong tuần, nghỉ hè 2 tháng, trong khi đó nhân viên y tế không có ngày nghỉ giữa tuần, làm việc cả ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ cho công việc khá thiếu thốn vì hầu hết các trường học đều chưa có phòng y tế riêng…
Thiết nghĩ, để đội ngũ nhân viên y tế học đường làm tốt vai trò của mình, cần quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của họ; có chế độ đãi ngộ, phụ cấp xứng đáng. Nên trang bị quần áo chuyên ngành như nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh khác. Có thể tạo điều kiện cho họ trao đổi chuyên môn bằng cách tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề. Mặt khác, cũng cần bố trí sắp xếp để có phòng y tế riêng biệt, có đủ trang thiết bị sơ cứu ban đầu, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho nhân viên y tế. Thực tế, trong khi Nhà nước chưa có chính sách cụ thể phụ cấp thêm cho những người thầy thuốc thầm lặng này, có nhiều trường đã quan tâm hơn đến đội ngũ nhân viên y tế. Nhà trường đã “mềm hóa” bằng việc cho họ nghỉ 1 ngày trong tuần và nghỉ hè trong năm học cũng giống như giáo viên.
Nhiều trường tuy còn khó khăn nhưng đã cố gắng tạo điều kiện về nơi làm việc cho cán bộ y tế bằng cách tận dụng những phòng học để giúp cán bộ y tế có phòng làm việc riêng biệt. Từ khi Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy vậy, cán bộ y tế trường học cũng cần tự khẳng định mình bằng việc tự trau dồi chuyên môn, phát huy vai trò tư vấn cho lãnh đạo nhà trường về phòng chống một số bệnh học đường theo kế hoạch của ngành Y tế. Trước mỗi thời điểm dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong trường học, cần chủ động tham mưu với lãnh đạo để tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề. Cần tự tin tuyên truyền trước số đông học sinh về một số bệnh hay mắc trong trường học: nguyên nhân, hậu quả để lại của bệnh và hướng dẫn các em cách phòng chống… Để những thầy thuốc thầm lặng này phát huy được vai trò của mình trong trường học, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của bản thân họ, cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường, phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Nguyễn Trung Thu
Ý kiến bạn đọc